Hai địa phương này sau sáp nhập đều có quy mô kinh tế thuộc top đầu cả nước.
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng sẽ hợp nhất thành một địa phương mới, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.
Bên cạnh đó, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Theo Chi cục Thống kê thành phố Hải Phòng, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2024 tăng 11,01% so với năm trước; đứng thứ 3 cả nước và đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy mô GRDP của thành phố năm 2024 ước đạt 445.995 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước. Cơ cấu kinh tế theo các khu vực như sau: khu vực nông, lâm, nghiệp thủy sản chiếm tỷ trọng 3,15%; công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,08%; thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 38,52%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm tỷ trọng 5,25%.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Hải Dương, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 10,2%, cao thứ 6/63 cả nước và đứng thứ 3/11 tại vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 212.386 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 107,4 triệu đồng/người; đứng thứ 8/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Như vậy, theo số liệu thống kê năm 2024, quy mô GRDP của tỉnh Hải Phòng mới sau khi sáp nhập đạt 658.381 tỷ đồng.
![]() |
Thành phố Hải Phòng - Ảnh: VnEconomy |
Bên cạnh đó, tại Bắc Ninh, với mức tăng trưởng 6,03%, quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt hơn 232 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước.
Tại Bắc Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 giữ vững vị trí đứng đầu cả nước, ước đạt 13,85%. Quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, cả năm ước đạt 207 nghìn tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị trí thứ 12 cả nước, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Như vậy, theo số liệu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh mới sau sáp nhập có quy mô kinh tế đạt hơn 439 nghìn tỷ đồng.
Chiều 18/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã có buổi làm việc chính thức để trao đổi, thống nhất một số nội dung về hợp nhất 2 địa phương.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đánh giá, việc hợp nhất là cơ hội mở ra không gian phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực của 2 địa phương để xây dựng thành phố mới là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics hiện đại, phát triển bền vững và tiếp tục nâng cao đời sống người dân.
Trước đó, ngày 16/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỉnh Bắc Ninh mới sau khi sáp nhập có vai trò và vị thế rất lớn, có quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.
Trong bối cảnh mới, cơ hội mới, dư địa mới... tỉnh Bắc Ninh mới phải chủ động, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục bứt phá, phát triển, vươn lên, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân...
Phúc Lam - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận