Tài chính ngân hàng

MBBank: Thế lực mới đang tái định hình Big 5 ngành ngân hàng

Khi Big 4 không còn đủ để mô tả thế cân bằng mới trong ngành ngân hàng, cái tên MB xuất hiện như một thế lực mới trong nhóm Big 5. Từ ngân hàng trẻ trong khối TMCP, Ngân hàng TMCP Quân đội MB đang tiến thẳng vào nhóm dẫn đầu nhờ quy mô, hiệu quả và sự linh hoạt mà các ông lớn quốc doanh cũng phải dè chừng.

asset-9.png
asset-8.png

Khái niệm Big 4 ngành ngân hàng - từng là chuẩn mực chỉ nhóm bốn ngân hàng lớn nhất Việt Nam – đang dần được thay thế bằng một khái niệm mới: Big 5. Thay đổi này phản ánh sự chuyển động trong cục diện toàn ngành, khi MB chính thức vươn lên nhóm dẫn đầu, cùng các “ông lớn” truyền thống gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Điểm chung dễ nhận thấy trong nhóm Big 5 là sự hiện diện của vốn Nhà nước, từ sở hữu tuyệt đối như Agribank cho đến tỷ lệ không chi phối như MB. Ngoài yếu tố này, điều gì đã giúp một ngân hàng thương mại cổ phần sinh sau đẻ muộn, có thể chen chân vào “chiếu trên” – nơi vốn được xem là sân chơi riêng của khối ngân hàng quốc doanh?

asset-6.png

MB hình thành và phát triển trong giai đoạn mang tính bản lề đối với thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam, khi nền kinh tế trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, chuyển mình từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng hành cùng tiến trình ấy, MB không ngừng mở rộng và nâng cao năng lực hoạt động.

Sau một thập kỷ từ khi thành lập, các chỉ số tài chính của ngân hàng ghi nhận bước nhảy vọt: vốn huy động tăng gấp 511 lần, vốn chủ sở hữu tăng 26 lần và tổng tài sản đạt 7.000 tỷ đồng. Năm 2004 - kỷ niệm 10 năm thành lập – MB lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ đồng lợi nhuận, đưa ngân hàng ra khỏi vùng bóng tối của một tổ chức quy mô nhỏ.

Năm 2010, MB vươn lên TOP 5 NHTMCP lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, để so với CTG, VCB hay BID, quy mô của MBB về tổng tài sản, nguồn vốn và thị phần vẫn khiêm tốn.

Bù lại, MB tỏ ra vượt trội hơn so với nhóm Big 3 xét trên khả năng sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. MB là ngân hàng có hệ số sinh lời ROE thường xuyên đạt trên 20%, nằm trong Top đầu các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Năm 2011, cổ phiếu MBB chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình phát triển của nhà băng Quân đội. Việc lên sàn không chỉ giúp ngân hàng nâng cao năng lực huy động vốn, mà còn thúc đẩy cải thiện quản trị theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn.

Dù tăng trưởng đều đặn nhưng sau đại dịch Covid-19, MB mới thực sự tăng tốc mạnh mẽ. Giai đoạn 2020–2022 được xem là phép thử khắc nghiệt với toàn ngành tài chính và MB là một trong số ít ngân hàng vượt lên bằng tốc độ thích ứng và sự chủ động chiến lược. Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng thời nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng và cải thiện nhóm chỉ số sinh lời.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản hợp nhất của MB vượt mốc 1,12 triệu tỷ đồng là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ngoài khối quốc doanh đạt được con số này.

Chiến lược tái cơ cấu tài sản tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó ngân hàng tập trung vào mảng cho vay cá nhân – phân khúc có biên lợi nhuận cao, đồng thời thu hẹp các khoản mục kém hiệu quả. Tổng dư nợ tín dụng (gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) đạt hơn 811.000 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, các chỉ số hiệu quả như ROE, ROA, NIM đều duy trì ở mức cao, trong khi tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) được kiểm soát dưới 30%. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 đạt 28.829 tỷ đồng, đưa MB lọt nhóm các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.

Trong điều kiện tăng trưởng nhanh, MB vẫn kiểm soát tốt chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,6%, riêng ngân hàng mẹ chỉ dưới 1,4% – thấp hơn mức bình quân toàn ngành. Về huy động, MB đạt hơn 806.000 tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 20%, tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong nhóm ngân hàng niêm yết. Đặc biệt, ngân hàng tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), với 281.000 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng huy động.

Với loạt kết quả ấn tượng trên nhiều mặt, từ quy mô tài sản, hiệu quả sinh lời đến năng lực chuyển đổi số, MB đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với nhóm Big 3 (không tính Agribank) và khẳng định vị thế vững chắc trong nhóm ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam.

Tính đến cuối năm ngoái, lợi nhuận của MB chỉ còn cách BIDV và VietinBank hơn 3.000 tỷ đồng, nhờ duy trì mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm sau đại dịch.

q2.png
asset-4.png

Dù vẫn còn khoảng cách về quy mô tài sản, mạng lưới chi nhánh và sức nặng thương hiệu so với nhóm Big 4 nhưng MB không hề lép vế trong Big 5 nhờ lợi thế vượt trội về tính linh hoạt trong vận hành và năng lực công nghệ.

Tại MB, Nhà nước sở hữu vốn thông qua Bộ Quốc phòng và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỷ lệ dưới 45%, không chi phối tuyệt đối. Điều này mang lại cho ngân hàng một không gian tự chủ đáng kể trong việc ra quyết định, giúp MB triển khai chiến lược kinh doanh một cách linh hoạt, nhanh nhạy và sát với thị trường.

Trái lại, nhóm Vietcombank, VietinBank, BIDV chịu sự chi phối mạnh từ Nhà nước với tỷ lệ sở hữu vượt 65%, khiến quá trình ra quyết định tại đây thường thận trọng và mất nhiều thời gian hơn. Đặc biệt, trong các lĩnh vực cần sự linh hoạt cao như đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới hay tái đầu tư lợi nhuận để tăng vốn.

Về mô hình tổ chức, MB được xây dựng theo hướng doanh nghiệp quân đội hiện đại, đề cao tính kỷ luật, đồng thời chú trọng sự linh hoạt và hiệu quả. Ban điều hành của MB được đánh giá cao về tư duy thị trường và năng lực triển khai, với nhiều sáng kiến mang tính đột phá như ra mắt sớm ứng dụng MBBank App, phát triển hệ sinh thái tài chính tích hợp gồm MB Securities (chứng khoán), MB Ageas Life (bảo hiểm nhân thọ) và MCredit (tài chính tiêu dùng). Các quyết định trong lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, hay marketing được triển khai nhanh chóng, phù hợp với xu hướng thị trường.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có xu hướng bảo thủ hơn trong quản trị rủi ro và chuyển đổi số. Điều này đảm bảo tính an toàn cho hệ thống, tuy nhiên lại khiến họ chậm thích nghi với nhu cầu thị trường, nhất là ở mảng ngân hàng số và dịch vụ bán lẻ.

q3.png

Chuyển đổi số là điểm nổi bật giúp MB tạo sự khác biệt rõ rệt trong nhóm Big 5. Ngân hàng này là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ, từ việc phát triển chi nhánh số, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng điện tử, đến thử nghiệm mô hình ngân hàng không chi nhánh.

Năm 2024, MB ghi nhận hơn 6,2 tỷ giao dịch số, cao nhất thị trường, tăng 1,6 lần so với năm trước. Tỷ lệ giao dịch thành công đạt tới 99,97%, cho thấy mức độ ổn định và bảo mật cao.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ là một trong những động lực giúp MB có tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) ở mức cạnh tranh, thường dưới 35%, thấp hơn nhiều so với mức 35–45% của nhóm quốc doanh.

Theo lãnh đạo MB chia sẻ, ngân hàng đầu tư bài bản vào công nghệ với ngân sách khoảng 50 triệu USD mỗi năm, tập trung vào hạ tầng, tự động hóa và đào tạo nhân lực. Đội ngũ công nghệ thông tin của MB hiện có hơn 2.000 người, chiếm khoảng 10% tổng nhân sự, tỷ lệ cao hiếm thấy trong ngành ngân hàng. Nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, MB thu hút thêm 4,1 triệu khách hàng mới trong năm 2024, nâng tổng lượng khách hàng lên 30,2 triệu.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT MB – ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh cam kết của ngân hàng trong việc theo đuổi chiến lược trở thành "Doanh nghiệp số, Tập đoàn tài chính dẫn đầu". Theo kế hoạch, ngân hàng đặt mục tiêu phục vụ 35 triệu khách hàng vào cuối năm 2025 và hướng tới mốc 40 triệu vào năm 2029, tiếp tục duy trì vị thế vững chắc trong nhóm Big 5 ngân hàng tại Việt Nam.

cuoi-bai-pc.png

Khương Lê - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư