Ngân hàng này bị cáo buộc làm ngơ trước loạt cảnh báo, cho phép hơn 100 giao dịch giúp che giấu dòng tiền thất thoát từ quỹ 1MDB Malaysia.
Ngân hàng Standard Chartered đang đối mặt với một vụ kiện trị giá 2,7 tỷ USD tại Singapore, khi các đơn vị thanh lý tài sản thuộc quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia cáo buộc ngân hàng này đã góp phần “tiếp tay” cho hành vi gian lận tài chính gây thất thoát hàng tỷ USD cách đây hơn 10 năm.
Vụ kiện được đệ trình lên Tòa án Tối cao Singapore bởi các đơn vị thanh lý đến từ công ty dịch vụ tài chính Kroll, đánh dấu một bước đi mới trong nỗ lực toàn cầu nhằm thu hồi tài sản bị đánh cắp từ quỹ 1Malaysia Development Berhad (1MDB). Các điều tra viên Mỹ từng xác định có tới 4,5 tỷ USD bị rút ruột khỏi quỹ này trong giai đoạn 2009–2014 thông qua một mạng lưới rửa tiền xuyên quốc gia.
Standard Chartered đã phản bác mạnh mẽ các cáo buộc và tuyên bố sẽ "kiên quyết bảo vệ quyền lợi trước mọi vụ kiện".
Bị cáo buộc làm ngơ trước các dấu hiệu rửa tiền
Theo các đơn vị thanh lý, ba công ty có liên hệ với 1MDB và đang trong quá trình phá sản cáo buộc Standard Chartered đã cho phép thực hiện hơn 100 giao dịch chuyển khoản nội bộ từ năm 2009 đến 2013, qua đó giúp che giấu dòng tiền bị đánh cắp. Các cáo buộc nêu rõ ngân hàng đã "làm ngơ" trước các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD.
“Vụ kiện cho rằng những giao dịch này là biểu hiện của các lỗ hổng nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ và nghĩa vụ giám sát, tạo điều kiện cho hành vi biển thủ công quỹ bởi các cá nhân có chức vụ cao trong chính phủ Malaysia thời kỳ đó”, thông cáo của nhóm thanh lý nêu rõ.
Standard Chartered cho biết ngân hàng vẫn chưa nhận được tài liệu pháp lý chính thức về vụ kiện và khẳng định rằng “các khiếu nại này là vô căn cứ”.
Ngân hàng cũng nhấn mạnh rằng những công ty khởi kiện từng bị cơ quan thanh lý xác định là “các công ty vỏ bọc không có hoạt động kinh doanh thực sự” và có liên hệ với Jho Low – nhân vật bị cáo buộc là chủ mưu của vụ bê bối 1MDB, hiện đang bỏ trốn. Jho Low vẫn phủ nhận mọi cáo buộc.
Cũng theo cáo buộc từ nhóm thanh lý, dòng tiền chuyển qua hệ thống Standard Chartered bao gồm các khoản vào tài khoản cá nhân của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak – người đang thi hành án 6 năm tù vì liên quan đến vụ án 1MDB. Một phần tiền còn được sử dụng để mua sắm trang sức, hàng hiệu cho vợ và con riêng của ông Najib. Gia đình ông nhiều lần bác bỏ các cáo buộc.
Hội đồng quản trị 1MDB đã lên tiếng ủng hộ hành động pháp lý này, cho rằng "người dân Malaysia là nạn nhân thực sự của vụ gian lận tài chính toàn cầu này" và kêu gọi truy cứu trách nhiệm với mọi tổ chức trung gian, bao gồm các định chế tài chính “thiếu trách nhiệm giám sát”.
![]() |
Standard Chartered đang đối mặt với một vụ kiện trị giá 2,7 tỷ USD tại Singapore, khi các đơn vị thanh lý tài sản thuộc quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia. |
Không phải lần đầu Standard Chartered bị xử phạt vì 1MDB
Năm 2016, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) từng phạt chi nhánh Standard Chartered tại Singapore 5,2 triệu đôla Singapore vì các vi phạm trong kiểm soát rửa tiền liên quan tới vụ 1MDB. MAS kết luận ngân hàng có nhiều “lỗ hổng đáng kể” trong quy trình thẩm định và giám sát khách hàng, dù không phát hiện hành vi “cố ý vi phạm”.
Đến nay, ít nhất 6 quốc gia – bao gồm Mỹ, Singapore và Thụy Sĩ – đã tiến hành điều tra vụ bê bối 1MDB, với hàng loạt quan chức và ngân hàng quốc tế bị liên đới, trong đó có cả tập đoàn Goldman Sachs của Mỹ.
Malaysia cho biết đã thu hồi được khoảng 29 tỷ ringgit (gần 7 tỷ USD) tài sản từ 1MDB trong giai đoạn 2019–2/2024.
Thông tin về vụ kiện đã khiến cổ phiếu Standard Chartered giảm 2,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba tại London – mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm 0,3% của chỉ số FTSE 100.
Theo chuyên gia phân tích Matt Britzman từ Hargreaves Lansdown, mức rủi ro pháp lý 2,7 tỷ USD tương đương khoảng 7% vốn hóa thị trường của Standard Chartered – đủ để tạo áp lực đáng kể lên cổ phiếu trong ngắn hạn.
Ngoài vụ kiện liên quan đến 1MDB, ngân hàng này hiện còn đối mặt với một vụ kiện khác trị giá 1,9 tỷ USD tại London vì bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran ở quy mô lớn hơn so với các khai báo trước đây.
Về Standard Chartered
Theo thông tin công bố trên website chính thức, Standard Chartered là một trong những tập đoàn ngân hàng quốc tế hàng đầu, hiện diện tại 53 thị trường năng động trên toàn cầu. Ngân hàng đặt mục tiêu thúc đẩy thương mại, đầu tư và tạo dựng sự thịnh vượng thông qua sự đa dạng và kinh nghiệm quốc tế. Tuyên ngôn thương hiệu của Standard Chartered – “Here for good” – thể hiện cam kết lâu dài và có trách nhiệm với cộng đồng.
Tập đoàn hiện được niêm yết trên cả Sở Giao dịch Chứng khoán London và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Các nội dung phân tích, bình luận của Standard Chartered có thể được theo dõi trên trang Insights hoặc website chính thức sc.com, cũng như các nền tảng mạng xã hội như X (Twitter), LinkedIn và Facebook.
Standard Chartered có lịch sử hoạt động tại Việt Nam từ năm 1904, khi thành lập chi nhánh đầu tiên tại Sài Gòn. Kể từ đó, ngân hàng duy trì cam kết mạnh mẽ và niềm tin dài hạn vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
Ngày 1/8/2009, Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) – tổ chức 100% vốn nước ngoài – chính thức đi vào hoạt động. Hiện ngân hàng có 4 chi nhánh tại Việt Nam (2 tại Hà Nội, 2 tại TP.HCM), với trụ sở chính đặt tại Capital Place, số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội (MST: 0103617147).
Với chuyên môn đến từ các thị trường châu Á, châu Phi và Trung Đông, Standard Chartered Việt Nam cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, định chế tài chính và khách hàng cá nhân. Đồng thời, ngân hàng cũng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tập trung vào y tế, giáo dục tài chính và hỗ trợ thanh thiếu niên.
Tham khảo Reuters
Mạnh Hiếu - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận