Một công ty bán dẫn Nhật Bản từng được kỳ vọng sẽ dẫn dắt ngành công nghiệp bán dẫn quốc nội vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản, sau khi không thể trụ nổi trước núi nợ, đà giảm sút của doanh số xe điện (EV) toàn cầu và làn sóng cạnh tranh giá rẻ từ các đối thủ Trung Quốc.
JS Foundry (còn gọi là JS Fab) được thành lập với mục tiêu sản xuất chất bán dẫn công suất, một linh kiện quan trọng trong các hệ thống điện tử công suất cao như xe điện, thiết bị công nghiệp và đồ gia dụng.
Với sự hỗ trợ công từ các quỹ đầu tư liên kết với Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, cùng một nhà máy được chuyển giao từ tập đoàn Mỹ On Semiconductor, JS Foundry từng được kỳ vọng sẽ trở thành đầu tàu nội địa trong lĩnh vực bán dẫn, vốn được Tokyo coi là then chốt cho an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế lâu dài.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của JS Foundry sớm bộc lộ điểm yếu khi nhu cầu xe điện lao dốc và các công ty Trung Quốc tràn vào thị trường với các sản phẩm bán dẫn giá rẻ. Đối mặt với áp lực tài chính ngày càng tăng, JS Foundry đệ đơn xin phá sản lên tòa án quận Tokyo vào tuần trước, để lại khoản nợ chưa thanh toán ước tính lên tới 110 triệu USD.
Khi mới ra mắt tháng 12/2022, công ty đã chọn cách cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu bằng cách tiếp quản một nhà máy bán dẫn 41 năm tuổi tại tỉnh Niigata – cơ sở cũ của On Semiconductor.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng lạc hậu này không thể đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của ngành sản xuất chip silicon carbide (SiC) – một phân khúc đòi hỏi vốn đầu tư cực lớn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tài chính của công ty ngày càng sa sút.
Doanh thu của JS Foundry đạt khoảng 10 tỷ yên (gần 68 triệu USD) trong năm đầu hoạt động. Nhưng sang năm 2024, con số này rơi thẳng đứng xuống chỉ còn 2,6 tỷ yên (khoảng 17,6 triệu USD) – phần lớn là do chấm dứt hợp tác sản xuất với On Semiconductor sau khi tập đoàn Mỹ rút khỏi nhà máy tại Nhật vào cuối năm 2022.
Dòng tiền mặt của công ty nhanh chóng chuyển sang âm, trong khi các khoản trợ cấp từ chính quyền trung ương và địa phương – dù đã được lên kế hoạch – lại đến quá muộn để cứu vãn tình hình.
Cùng lúc, thị trường xe điện toàn cầu đối mặt với "cơn bão ngược": lãi suất tăng, nhiều nước cắt giảm ưu đãi và hạ tầng sạc phát triển chậm khiến nhu cầu mua xe sụt giảm. Các hãng ô tô đồng loạt thu hẹp đơn hàng chip – đặc biệt ảnh hưởng tới những nhà cung cấp non trẻ như JS Foundry.
Không chỉ gặp khó trong doanh thu, JS Foundry còn bị "bóp nghẹt" bởi các đối thủ Trung Quốc – những công ty được nhà nước hỗ trợ mạnh, có quy mô lớn và chuỗi cung ứng tích hợp dọc, cho phép họ tung ra các sản phẩm chip công suất với giá rẻ hơn đáng kể.
Trong nỗ lực cuối cùng, JS Foundry đã đàm phán với một số nhà đầu tư nước ngoài để hợp tác trong lĩnh vực chip silicon carbide – công nghệ bán dẫn thế hệ mới nổi bật với khả năng tiết kiệm năng lượng vượt trội. Nhưng các cuộc đàm phán này đổ vỡ vào đầu năm nay, khép lại con đường sống cuối cùng của công ty.
Vụ phá sản của JS Foundry diễn ra trong bối cảnh toàn ngành bán dẫn công suất toàn cầu đang gặp khó. Hãng Rohm – một ông lớn khác của Nhật – mới đây báo lỗ lần đầu tiên sau hơn 10 năm, cũng do đầu tư không hiệu quả vào lĩnh vực này. Còn Wolfspeed (Mỹ) – tiền thân là Cree – đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 hồi tháng trước, kéo theo khoản thua lỗ lớn cho nhà đầu tư Nhật là Renesas Electronics. Hậu quả, Renesas buộc phải hủy kế hoạch sản xuất chip silicon carbide vốn dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay.
Câu chuyện của JS Foundry là một lời cảnh báo rõ ràng: dù được rót vốn công và có khởi đầu đầy triển vọng, những công ty non trẻ vẫn có thể sụp đổ nhanh chóng trong một ngành công nghiệp đòi hỏi đầu tư lớn, bị chi phối bởi địa chính trị, biến động kinh tế vĩ mô và cuộc chạy đua công nghệ khốc liệt.
Theo Thestreet
Thanh Lê - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận