Doanh nghiệp niêm yết

NVB: Nhiều khó khăn đang đè nặng lên Ngân hàng Quốc Dân

Kinh doanh thua lỗ chỉ là một phần trong những khó khăn mà Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đang đối diện, khi mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị này đã có những kiến nghị với

https://cdn.stockproxx.com/2023/11/29/ngan-hang-quoc-dan.jpeg

Nhiều khó khăn đang đè nặng lên Ngân hàng Quốc Dân (NCB)

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm nay âm hơn 233 tỷ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái, ngân hàng này báo lỗ sau thuế xấp xỉ 189 tỷ đồng.

Giải trình cho biến động về kết quả kinh doanh trong kì, bà Hoàng Thu Trang – Phó tổng giám đốc NCB – thông tin, NCB thua lỗ nguyên nhân chủ yếu do tình hình biến động chung của nền kinh tế, thị trường, tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.. đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, các nhân, khách hàng của NCB dẫn đến khoản thu nhập thuần trong hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của ngân hàng đều sụt giảm.

Đây là quý thua lỗ thứ 4 của NCB tính từ thời điểm doanh nghiệp này có nhân tố mới đảm nhiệm ghế nóng Chủ tịch NCB. Điều này góp phần đưa con số lỗ lũy kế của Ngân hàng Quốc dân tính đến cuối tháng 9/2023 xấp xỉ 199 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2021, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường, bà Bùi Thị Thanh Hương đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc dân. Tuy nhiên, có vẻ như vị “thuyền trưởng” mới vẫn chưa thể chèo lái NCB qua khỏi cơn khủng hoảng.

Đáng lưu ý rằng, kinh doanh thua lỗ chỉ là một phần trong những khó khăn mà NCB đang đối diện, khi mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị này đã có những kiến nghị với Ngân hàng nhà nước về phần nội dung liên quan đến NCB.

Cụ thể, vào ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hàng Nghị quyết số 43/2022/QH15 Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Sau gần 2 năm triển khai, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành một số cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.

Trong đó, về chương trình Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, theo tài liệu NCB cung cấp cho thấy không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách; Văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất.

Bên cạnh đó, NCB rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lãi suất lại bằng “0”. Bất ngờ rằng, Kiểm toán nhà nước đánh giá NCB là một trong hai ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro mất an toàn.

Trước thực trạng này, Kiểm toán nhà nước kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của NCB (thực hiện thanh tra trực tiếp nếu xét thấy cần thiết) để kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng nhà nước đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

Thùy Chi

Theo Báo ngày nay