Kinh tế thế giới

Quốc gia châu Á bất ngờ trở thành ‘cứu cánh’ cho doanh nghiệp Trung Quốc, bùng nổ đơn hàng xuất sang Mỹ

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ.

Một số công ty Trung Quốc, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mức thuế cao của Mỹ, đang tìm cách hợp tác với nhà xuất khẩu Ấn Độ nhằm duy trì đơn hàng và giữ chân khách hàng Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại gây chấn động toàn cầu.

Tại Hội chợ Canton đang diễn ra đến ngày 5/5 ở Quảng Châu – sự kiện thương mại lớn nhất thế giới – nhiều công ty Ấn Độ đã được phía Trung Quốc tiếp cận để nhờ cung cấp hàng hóa cho khách Mỹ, theo ông Ajay Sahai, tổng Giám đốc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ. Đổi lại, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ trả hoa hồng cho đối tác Trung Quốc.

Phần lớn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ hiện chịu thuế 145%, trong khi hàng hóa từ Ấn Độ chỉ chịu thuế 10%, dự kiến tăng lên 26% vào tháng 7 nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện kế hoạch áp thuế đối ứng sau thời gian tạm hoãn 90 ngày.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển sản xuất sang Đông Nam Á để né thuế Mỹ. Tuy nhiên, lần này, khi Trump áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa từ Việt Nam, các nhà xuất khẩu Ấn Độ có thể hưởng lợi từ dòng đơn hàng chuyển hướng.

Quốc gia châu Á bất ngờ trở thành ‘cứu cánh’ cho doanh nghiệp Trung Quốc, bùng nổ đơn hàng xuất sang Mỹ - ảnh 1
Người mua tham dự Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 137 tại Quảng Châu vào ngày 18/4. Ảnh: Anadolu

Dù vậy, khác với Đông Nam Á, Ấn Độ vẫn siết chặt đầu tư từ Trung Quốc, khiến việc lập nhà máy hoặc tái xuất hàng hóa từ Ấn Độ sang Mỹ trở nên khó khăn. Thay vào đó, ông Sahai cho biết doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu đề nghị các công ty Ấn Độ sản xuất và giao hàng cho khách Mỹ dưới thương hiệu Trung Quốc hoặc thương hiệu liên doanh.

Các lời đề nghị chủ yếu tập trung vào những mặt hàng như dụng cụ cầm tay, điện tử và thiết bị gia dụng. Ông Sahai tiết lộ thêm, một số khách hàng Mỹ cũng đang cân nhắc chuyển sang đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp Ấn Độ. Mức hoa hồng dành cho đối tác Trung Quốc sẽ do hai bên tự thỏa thuận.

OayKay Tools – doanh nghiệp sản xuất dụng cụ cầm tay như búa rèn và máy dập lạnh tại thành phố Jalandhar – hiện đang đàm phán với cả các công ty Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc và các đối tác Trung Quốc để cung ứng hàng sang Mỹ.

Siddhant Aggarwal, phụ trách xuất khẩu của OayKay Tools, nói: "Khoảng 4 - 5 công ty đã liên hệ với chúng tôi. Họ có thương hiệu cần duy trì nên phải đảm bảo nguồn cung cho khách hàng".

Xu hướng tăng đơn hàng xuất khẩu diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đạt tiến triển đáng kể trong đàm phán thương mại với Mỹ, điều mà New Delhi kỳ vọng sẽ giúp nước này tránh được các mức thuế cao hơn.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, trong chuyến thăm Ấn Độ tuần trước, đã kêu gọi mở ra kỷ nguyên hợp tác mới và nhấn mạnh hai bên đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại song phương, dự kiến ký kết vào mùa thu năm nay.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn đối đầu về thuế quan. Bắc Kinh chỉ trích các mức thuế mới là "vô nghĩa", còn ông Trump tuyên bố chính quyền ông vẫn đang đàm phán với Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh phủ nhận điều này và yêu cầu Washington gỡ bỏ toàn bộ thuế đơn phương.

Quốc gia châu Á bất ngờ trở thành ‘cứu cánh’ cho doanh nghiệp Trung Quốc, bùng nổ đơn hàng xuất sang Mỹ - ảnh 2
Hàng hóa thương mại nước ngoài từ Trung Quốc tại Hội chợ Canton ngày 18/4. Ảnh: Anadolu

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ cho phép các công ty Ấn Độ lấp đầy khoảng trống do doanh nghiệp Trung Quốc để lại ở mức độ nào, trong bối cảnh Washington vẫn muốn duy trì áp lực lên Bắc Kinh.

Sự hiện diện của doanh nghiệp Mỹ tại Hội chợ Canton lần này khá thưa thớt, nhưng chủ đề thuế quan mới gần như chi phối mọi cuộc trò chuyện. Trong lúc được hưởng 90 ngày tạm hoãn, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang gấp rút tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á nhằm né lệnh kiểm soát từ Mỹ.

Victor Forgings – nhà sản xuất dụng cụ cầm tay như kìm, cưa sắt và búa từ năm 1954 – đang nắm bắt cơ hội mở rộng kinh doanh khi căng thẳng Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt.

"Chúng tôi không chỉ được các nhà cung cấp Trung Quốc đề nghị giao hàng thay cho họ, mà còn nhận được yêu cầu từ các công ty Mỹ có nhà máy tại Trung Quốc nhưng hiện không thể xuất khẩu vì thuế cao", ông Ashwani Kumar, đối tác điều hành tại Victor Forgings, chia sẻ.

Ông Kumar cho hay công ty có kế hoạch mở thêm 2 nhà máy để đáp ứng nhu cầu gia tăng, đồng thời tiết lộ rằng nhiều công ty Mỹ sẵn sàng chia sẻ công nghệ nhằm mở rộng hiện diện tại Ấn Độ.

Thiên Kim - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính