Bất động sản

Sắp thực hiện bước đầu tiên để giải phóng mặt bằng dự án ‘siêu’ đường sắt của Việt Nam

Bộ Xây dựng đang thực hiện những bước cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, phục vụ khởi công dự án vào cuối năm 2026.

Theo Báo Chính phủ, trước kiến nghị của cử tri Hà Nội về việc sớm cắm mốc chỉ giới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, quản lý đất đai và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Bộ Xây dựng đã có phản hồi chính thức.

Theo Bộ Xây dựng, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư theo lộ trình. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024. Triển khai nghị quyết này, ngày 23/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng bộ, ngành và 20 địa phương có tuyến đi qua, nhằm đảm bảo mục tiêu khởi công dự án vào tháng 12/2026.

Sắp thực hiện bước đầu tiên để giải phóng mặt bằng dự án ‘siêu’ đường sắt của Việt Nam- Ảnh 1.
Phương án thiết kế sơ bộ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Với riêng Hà Nội, công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Cả hai quy hoạch đều xác định rõ hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua địa bàn huyện Thường Tín (cũ).

Để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý Dự án Đường sắt – chủ đầu tư giai đoạn lập dự án đã bàn giao hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng cho toàn bộ 20 tỉnh, thành phố có tuyến đi qua. Hồ sơ bao gồm: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, bản vẽ phạm vi chiếm dụng đất, sơ đồ ranh giới, tọa độ tim tuyến và vị trí các ga dọc tuyến.

Trên cơ sở này, các địa phương đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, giao nhiệm vụ cho đơn vị chủ trì, lập kế hoạch triển khai, rà soát nhu cầu tái định cư và bố trí quỹ đất. Riêng tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, tránh phát sinh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Sắp thực hiện bước đầu tiên để giải phóng mặt bằng dự án ‘siêu’ đường sắt của Việt Nam- Ảnh 2.
Sớm thực hiện cắm cọc giải phóng mặt bằng dự án. Ảnh minh họa

Đặc biệt, việc cắm mốc chỉ giới tuyến được Bộ Xây dựng xác định là nhiệm vụ cấp bách, phải hoàn thành trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư sẽ phối hợp với từng địa phương tổ chức cắm mốc ngoài thực địa, xác định ranh giới thu hồi đất để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất trước tháng 12/2026 – đúng theo mốc tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Bộ Xây dựng khẳng định, việc cắm mốc sớm không chỉ giúp kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, hạn chế tối đa phát sinh chi phí đền bù về sau, mà còn là tiền đề quan trọng để dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Thủ đô và các địa phương trên toàn tuyến.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM).

Dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, là dự án quy mô nhất Việt Nam. Trong đó, 80% từ ngân sách nhà nước, 20% từ nguồn vay ODA hoặc các nguồn hợp pháp khác.

Chi Chi - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn