Hàng hóa

Trung Quốc liên tiếp 'bom hàng', nông dân Mỹ điêu đứng trước nguy cơ không tìm được thị trường thay thế

Không chỉ nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thiệt hại nặng nề.

Theo New York Post, ngành nông nghiệp Mỹ đang rơi vào tình trạng "khủng hoảng toàn diện" sau khi Trung Quốc bất ngờ hủy hàng loạt đơn hàng nông sản quan trọng, hậu quả từ cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuần trước, Bắc Kinh đã hủy đơn đặt hàng thịt lợn lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 với lô hàng lên tới 12.000 tấn, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Đồng thời, lượng đặt mua đậu nành từ Trung Quốc cũng giảm mạnh, chỉ còn 1.800 tấn trong tuần kết thúc ngày 17/4 – thấp hơn 40 lần so với tuần trước đó.

Wes Shoemyer, một nông dân tại Missouri, chia sẻ rằng nông dân Mỹ đang đứng trước nguy cơ không tìm được thị trường thay thế. "Chúng tôi vẫn trồng trọt, nhưng tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài", ông nói.

Trung Quốc liên tiếp 'bom hàng', nông dân Mỹ điêu đứng trước nguy cơ không tìm được thị trường thay thế
Bắc Kinh đã hủy đơn đặt hàng thịt lợn lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 với Mỹ. Ảnh minh họa

Các mức thuế suất cao – 145% đối với hàng Trung Quốc và 125% đối với hàng Mỹ – đã làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại song phương. Dữ liệu từ Vizion Global Ocean Bookings Tracker cho thấy số tàu Trung Quốc hủy chuyến đến Mỹ tăng vọt, khiến lưu lượng vận tải biển từ Trung Quốc giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Peter Friedmann, Giám đốc điều hành Liên minh Vận tải Nông nghiệp (AgTC), cảnh báo hệ lụy sẽ lan rộng: nông dân phá sản, công nhân khuân vác và tài xế xe tải mất việc. "Không giống như đồ điện tử, nông sản không thể để lâu. Nếu không bán được, nó sẽ thối rữa", ông nhấn mạnh.

Thực tế, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ chứng kiến một đợt giảm giá thực phẩm ngắn hạn – ví dụ như giá anh đào có thể chỉ bằng 25% trước đây – do nông dân buộc phải "bán tháo" sản phẩm.

Không chỉ nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thiệt hại nặng nề. Một công ty xuất khẩu bột giấy và bìa cứng bị hủy ngay 6.400 tấn hàng, trong khi 15 toa tàu khác mắc kẹt tại cảng. Một nhà xuất khẩu hạt giống cỏ cho biết họ chỉ được thông báo trước hai tuần về việc 8 lô hàng bị hủy dù tàu đã được lên lịch.

Năm 2024, Mỹ đã xuất khẩu hơn 27 tỷ USD nông sản sang Trung Quốc, trong đó đậu nành chiếm gần 13 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho mặt hàng này. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang tích cực chuyển hướng nhập khẩu đậu nành, ngô và lúa miến từ Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil.

Shoemyer cũng cho biết ông đối mặt với khó khăn kép: vừa mất thị trường xuất khẩu, vừa có nguy cơ không nhận được khoản hỗ trợ từ chương trình trồng cây che phủ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sau khi đã đầu tư 45.000 USD cho các loại cây như lúa mạch đen, lúa mì và cỏ.

"Khi không ai mua sản phẩm của bạn, bạn không chỉ cắt giảm giờ làm – bạn phải sa thải nhân công", Friedmann kết luận.

 

 

Hồng Hà - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư