Quy trình cấp phép xuất khẩu đất hiếm "rùa bò" dưới lệnh kiểm soát mới của Bắc Kinh đang khiến các lô hàng vật liệu thiết yếu cho xe điện và tiêm kích bị "treo", đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào thế bất ổn.
Trung Quốc đã bắt đầu cho phép một số lô hàng đất hiếm được xuất khẩu theo quy định kiểm soát mới. Tuy nhiên, tiến độ phê duyệt chậm đang khiến ngành công nghiệp toàn cầu lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, theo cảnh báo từ các doanh nghiệp và hiệp hội trong ngành.

Từ đầu tháng 4, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 7 nguyên tố đất hiếm và nam châm vĩnh cửu – những vật liệu thiết yếu trong các sản phẩm công nghệ cao như xe điện, tua-bin gió, robot hình người và máy bay chiến đấu.
Dù một số giấy phép xuất khẩu sang châu Âu đã được Bộ Thương mại Trung Quốc phê duyệt sau nhiều tuần trì hoãn, giới chuyên gia nhận định tốc độ xử lý vẫn quá chậm để đáp ứng nhu cầu.
“Cánh cửa để tránh tác động nghiêm trọng đến sản xuất ở châu Âu đang nhanh chóng khép lại”, ông Wolfgang Niedermark, thành viên Ban điều hành Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cảnh báo.
Các tập đoàn Mỹ như Tesla, Ford và Lockheed Martin cũng bày tỏ quan ngại trong các buổi họp với nhà đầu tư gần đây về chính sách kiểm soát xuất khẩu mới của Bắc Kinh.
Một giám đốc điều hành tại Trung Quốc cho rằng tình trạng trì trệ hiện nay là “không thể chấp nhận được” với các nhà sản xuất nước ngoài.
“Tôi chứng kiến sự yếu kém trong quản lý – họ đã đánh giá thấp tác động và không có sự chuẩn bị cần thiết ở cấp thực thi”.
Đòn đáp trả cuộc chiến thuế quan
Việc Trung Quốc siết kiểm soát đất hiếm được xem là phản ứng trước loạt thuế quan diện rộng mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 2/4. Theo quy định mới, các doanh nghiệp xuất khẩu phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại để vận chuyển bảy nguyên tố đất hiếm và nam châm vĩnh cửu sản xuất từ các nguyên tố này.
Động thái này làm nổi bật vai trò chiến lược của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu – nơi nước này đang giữ vị thế thống trị.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã cấp phép xuất khẩu sang Mỹ hay chưa, kể từ sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí tạm dừng leo thang chiến tranh thương mại trong 90 ngày.
Một số doanh nghiệp như Yantai Zhenghai Magnetic Material (tỉnh Sơn Đông) cho biết đã được cấp phép và "bắt đầu nhận đơn hàng trở lại". Trong khi đó, hai nguồn tin tiết lộ ít nhất một lô hàng gửi đến nhà máy của Volkswagen tại Đức cũng đã được phê duyệt.
Volkswagen xác nhận nguồn cung linh kiện chứa đất hiếm hiện vẫn ổn định, và các nhà cung cấp của hãng đã nhận được “một số lượng giấy phép xuất khẩu nhất định”.
Nguy cơ tắc nghẽn hành chính, lúng túng từ doanh nghiệp phương Tây
Một số chuyên gia cảnh báo hệ thống cấp phép của Trung Quốc có thể bị quá tải khi số lượng hồ sơ tăng nhanh. Các doanh nghiệp châu Âu cho biết họ gặp khó trong việc chứng minh rằng hàng hóa không bị tái xuất sang Mỹ – điều vi phạm điều kiện cấp phép.
Tỷ phú Elon Musk tiết lộ Trung Quốc yêu cầu Tesla cam kết các nam châm đất hiếm dùng trong cánh tay robot không phục vụ mục đích quân sự. “Đó là một thách thức, nhưng tôi tin chúng tôi sẽ vượt qua”, ông nói.
Tại Ấn Độ, Giám đốc điều hành mảng ô tô của tập đoàn Mahindra & Mahindra, ông Rajesh Jejurikar, nhận định quy trình xin giấy chứng nhận mục đích sử dụng cuối – nhằm đảm bảo không dùng vào mục đích quân sự – hiện “chưa rõ ràng”.
Một quản lý tại Chengdu Galaxy Magnets cũng cho biết các sản phẩm phục vụ mục đích quân sự không được phép xuất khẩu, trong khi những đơn hàng dân sự “vẫn có thể được chấp thuận”. Công ty này đang hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ trình lên cơ quan chức năng.
Nam châm vĩnh cửu – thành phần then chốt trong tiêm kích F-35 của Lockheed Martin – được dự báo sẽ gặp gián đoạn ngắn hạn và buộc chuỗi cung ứng phải tái cấu trúc dài hạn.

CFO Lockheed, ông Evan Scott, cho biết công ty vẫn đủ nguyên liệu cho năm nay và kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên cung ứng cho Lockheed vì tầm quan trọng chiến lược.
Một số chuyên gia tin rằng các doanh nghiệp lớn, có quan hệ lâu dài với Trung Quốc, vẫn có thể tiếp cận nguồn cung đất hiếm trước khi được cấp giấy phép chính thức. “Vẫn có hàng rời khỏi Trung Quốc”, theo Cameron Johnson – chuyên gia chuỗi cung ứng tại Tidalwave Solutions ở Thượng Hải.
Cory Combs, Giám đốc công ty tư vấn Trivium China (Bắc Kinh), nhận định chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc “ngắt hoàn toàn nguồn cung”. Tuy vậy, ông cảnh báo sự không chắc chắn vẫn hiện hữu.
“Ai cũng muốn Bộ Thương mại Trung Quốc làm rõ quy định, nhưng chính yếu tố mập mờ lại tạo nên đòn bẩy chiến lược của Bắc Kinh – trong khi Mỹ chưa đưa ra một thỏa thuận đủ sức thuyết phục”.
Các chuyên gia cho rằng, động thái mới nhất của Trung Quốc sẽ càng thúc đẩy các quốc gia phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Bắc Kinh.
Theo FT
Thanh Lê - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận