Bất động sản

Vingroup đề xuất làm đường sắt chở khách 121km nối Hà Nội với tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam

Tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 121km, vận tốc thiết kế tối đa 300km/h nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách, đặc biệt là khách du lịch

Theo thông tin từ Báo Chính phủ, chiều 16/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương về đề xuất đầu tư tuyến đường sắt chở khách Hà Nội - Quảng Ninh do Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã VIC) kiến nghị thực hiện.

Theo đề xuất của Vingroup, tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 121km, vận tốc thiết kế tối đa 300km/h nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách, đặc biệt là khách du lịch, giữa Hà Nội và Quảng Ninh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cùng đại diện các địa phương liên quan như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh đã trao đổi về nhiều vấn đề trọng tâm như hướng tuyến, công nghệ áp dụng, nhu cầu vận tải, tổng mức đầu tư, hiệu quả và tính khả thi của dự án trong tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt trên hành lang Hà Nội - Quảng Ninh.

Hình ảnh tại buổi làm việc. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ
Hình ảnh tại buổi làm việc. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò chiến lược của các tuyến đường sắt kết nối Hà Nội - Quảng Ninh trong việc thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Hồng.

Chính phủ đánh giá cao sáng kiến của doanh nghiệp trong việc tham gia phát triển hạ tầng giao thông theo tiêu chí hiện đại, đồng thời yêu cầu đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và thủ tục nhanh gọn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư tiến hành rà soát, cập nhật quy hoạch mạng lưới đường sắt trên hành lang Hà Nội - Quảng Ninh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng công nghệ và kỹ thuật mới.

Các phương án hướng tuyến cần được tính toán kỹ lưỡng nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư của cả Nhà nước và khu vực tư nhân, đảm bảo sử dụng đa mục đích và tích hợp với các loại hình giao thông khác, phục vụ liên kết liên vận, liên tỉnh và phát triển đô thị.

Đối với nhà đầu tư, Chính phủ yêu cầu làm rõ đề xuất cụ thể về hướng tuyến, công trình hạ tầng, phương thức đầu tư, cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến khai thác và phát triển các khu đô thị thương mại - dịch vụ dọc tuyến (TOD).

Được biết, trên hành lang kết nối Hà Nội - Quảng Ninh hiện có định hướng quy hoạch tuyến đường sắt Yên Viên - Lim - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Tuyến này tận dụng hạ tầng hiện hữu gồm đoạn Yên Viên - Lim (thuộc tuyến Hà Nội - Lạng Sơn) và đoạn Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (thuộc tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân) với chức năng khai thác hỗn hợp hàng hóa và hành khách, tốc độ thiết kế 120km/h.

Tuy nhiên, sau khi khởi công vào năm 2008, dự án đã bị đình hoãn từ năm 2011. Gần đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phương án đầu tư bổ sung khoảng 4.000 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân lên khoảng 8.300 tỷ đồng, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng chính của tuyến sang phục vụ vận tải hành khách.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là một thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế - xã hội theo chu kỳ năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khi không tính các thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội. Chỉ số SCOLI cao nhất là Hà Nội (100%), theo sau là TP. HCM với chỉ số bằng 98,44% của Hà Nội.

 

 

Việt Hoàng - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn