Xuất khẩu gỗ, cà phê và thủy sản đều đã vượt mốc 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tạo nền tảng để ngành nông nghiệp tiến gần hơn đến mục tiêu 70 tỷ USD trong năm 2025, cao nhất từ trước đến nay.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đánh giá: “Nếu xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, ngành nông nghiệp có thể đạt mục tiêu kim ngạch 70 tỷ USD trong năm nay.” Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, trong sáu tháng cuối năm, các đơn vị, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến công tác thị trường, linh hoạt với biến động về cơ cấu thị trường. Thí dụ, so với cùng kỳ năm 2024, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm, chỉ đạt 5,94 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2025, chiếm tỷ trọng 17,6%.
Sáu tháng đầu năm 2025, điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%; giá trị xuất siêu 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Báo cáo về tình hình xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Gia Long cho biết: Nửa đầu năm 2025, ngành nông nghiệp ghi nhận 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD là gỗ, cà phê và thủy sản. Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê đạt 5,45 tỷ USD, tăng 67,5%; thủy sản đạt 5,16 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, điều đều xác lập kỷ lục mới về giá. Giá xuất khẩu cà phê bình quân tăng 59,1%, đạt hơn 5.700 USD/tấn; giá cao su tăng 22,4%, đạt gần 1.865 USD/tấn; giá điều tăng 23,8%, đạt 6.805,4 USD/tấn.
Theo bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong sáu tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng hơn 19% nhờ xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, tăng 16%. Thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đạt kim ngạch lần lượt 2,07 tỷ USD và 1 tỷ USD.
Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dự báo nửa cuối năm 2025, tôm và cá tra có thể đối mặt nhiều rào cản thương mại trong thời gian tới, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Riêng mặt hàng tôm đang có nguy cơ phải chịu cùng lúc thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp – tạo ra rào cản lớn cho doanh nghiệp.
Đối với mặt hàng rau quả, dù kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 8,4% so với cùng kỳ 2024, còn 3,05 tỷ USD, nhưng triển vọng cuối năm được đánh giá khả quan. Đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, lượng sầu riêng xuất khẩu đạt gần 130.000 tấn tươi và hơn 14.000 tấn đông lạnh, gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Việc tăng cường xuất khẩu trái cây đông lạnh được xem là một chiến lược phù hợp trong bối cảnh thị trường truyền thống đang có dấu hiệu chững lại.
![]() |
Công nhân đóng gói trái cây xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. (Ảnh MINH ANH) |
Từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường định hướng phát triển ngành theo mô hình chuỗi giá trị, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo đầu ra ổn định tại cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Trong đó, thị trường Halal được xem là cơ hội lớn nhờ quy mô dân số và mức tiêu thụ cao. Thị trường châu Âu cũng được đặt kỳ vọng, khi mỗi năm nhập khẩu hơn 300 tỷ USD nông sản nhưng lượng hàng Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 5,3 tỷ USD.
Với nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm và các tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành nông nghiệp đang tiến gần hơn tới cột mốc xuất khẩu 70 tỷ USD. Tuy nhiên, việc kiểm soát rủi ro thị trường, thích ứng chính sách thương mại và giữ ổn định giá trị gia tăng vẫn sẽ là bài toán trung tâm trong phần còn lại của năm 2025.
Nguyên Mộc - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận