Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
ACV là doanh nghiệp có quy mô khai thác vận chuyển, quản lí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh. ACV trực tiếp khai thác 22 Cảng hàng không, bao gồm 08 Cảng hàng không Quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Chu Lai, Phú Quốc, Cần Thơ và 14 Cảng hàng không địa phương: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Vinh, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân.
Việc thành lập Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV là xu thế tất yếu và cần thiết đối với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, hướng tới thành lập Tập đoàn Hàng không Quốc gia.
Việc thành lập Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV là xu thế tất yếu và cần thiết đối với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, hướng tới thành lập Tập đoàn Hàng không Quốc gia.
Nhận thức mức độ cần thiết của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước nói chung và ngành hàng không nói riêng, việc hợp nhất ba Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho các Cảng hàng không Việt Nam.
ACV quyết tâm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa hệ thống Cảng hàng không trên cơ sở kế thừa nguồn lực sẵn có nhằm phát huy sức mạnh của nguồn nhân lực và tài chính, đáp ứng nhu cầu khai thác, cung ứng dịch vụ hàng không và phi hàng không, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng phục vụ hành khách tốt nhất, sẵn sàng cùng ngành hàng không Việt Nam cất cánh trên con đường hội nhập.
Quá trình hình thành và phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hôm nay được đánh dấu qua ba các giai đoạn:
Từ 1975 đến 1990: tiếp quản sân bay sau chiến tranh; Từ 1990 đến 2012 thành lập thêm các cụm, cảng hàng không; Từ ngày 8/2/2012 đến nay: thành lập Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trên cơ sở hợp nhất ba Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
- Giai đoạn 1: Từ năm 1975 – 1990:
Các sân bay Việt Nam nằm dưới sự quản lý, khai thác của Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, hoạt động theo chế độ quân đội, bao cấp, hạch toán toàn ngành. Thời đó ngoài cửa ngõ "độc đạo" ra thế giới bên ngoài là Bangkok, HKVN chỉ khai thác mạng đường bay nội địa tới 13-15 sân bay (một số sân bay hoạt động cắt quãng), mỗi năm chỉ có 800.000-900.000 khách thông qua, sản lượng vận chuyển chỉ 300.000-500.000 khách/năm. Trừ Tân Sơn Nhất có chuyến bay đêm của Hãng Air France và vài hãng hạ cánh không thường lệ, các sân bay khác chỉ có vài chuyến bay nội địa. Ngay Nội Bài, Đà Nẵng từ 17h trở đi cũng "vắng như chùa bà Đanh". Các sân bay Điện Biên, Nà Sản, Phú Bài, Vũng Tàu, Liên Khương… cả tuần chỉ có 1-3 chuyến. Dù vậy, mức độ hưởng thụ, thu nhập của mọi người, mọi đơn vị toàn ngành như nhau.
- Giai đoạn 2: Từ 1990 – 2010:
Khi ngành HKVN ra khỏi quân đội, về Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT), trở thành ngành kinh tế dân sự, hoạt động theo hướng hạch toán kinh doanh, đòi hỏi bộ máy phải thay đổi. Những năm 1992-1996, Nhà nước tách dần cơ quan quản lý khỏi khối sản xuất, kinh doanh, Cục HKVN quản lý nhà nước toàn ngành, các sân bay, hãng bay hạch toán riêng. Từ đây nảy sinh vấn đề: những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng máy bay thương mại hoạt động nhiều nên có lãi hoặc tạm đủ trang trải. Các sân bay nhỏ cả tuần chỉ có vài ba chuyến bay, gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng cần đủ lệ bộ như quản lý bay, an ninh, an toàn, thương mại, khai thác… nên thu không đủ chi, bình quân mỗi năm mỗi sân bay lỗ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Để duy trì hoạt động của sân bay địa phương, góp phần phát triển KT-XH vùng miền, bảo đảm an ninh quốc phòng, duy trì khai thác thị trường nội địa, ngành HKVN đã thành lập các Cụm cảng hàng không. Miền Bắc lấy Nội Bài làm trung tâm, gọi là Cụm cảng HK miền Bắc, có trách nhiệm quản lý, điều phối nhân lực, tài chính, kỹ thuật để duy trì, phát triển sân bay Điện Biên Phủ, Nà Sản, Cát Bi… Cụm cảng HK miền Nam lấy Tân Sơn Nhất làm trung tâm, quản lý, điều phối mọi mặt duy trì hoạt động, phát triển sân bay Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Rạch Giá, Côn Đảo, Liên Khương, Cần Thơ, Cà Mau… Sân bay Đà Nẵng quản lý, điều phối các sân bay nhỏ ở miền Trung như Phú Bài, Pleiku, Cam Ranh, gọi là Cụm cảng HK miền Trung. Tuy nhiên, do Đà Nẵng có cường độ hoạt động thấp hơn Tân Sơn Nhất, Nội Bài, có thời điểm thu không đủ chi nên Cục HKVN phải điều phối tài chính, nhân lực… từ Tân Sơn Nhất, Nội Bài sang để đáp ứng nhu cầu phát triển. Khi các cụm cảng HK đổi thành Tổng Công ty Cảng miền Bắc, Trung, Nam nhưng không có khác biệt lớn về chức năng, nhiệm vụ…
- Giai đoạn 3: Từ năm 2011 đến nay:
Những năm gần đây, hệ thống cảng hàng không đã phát triển đến một giai đoạn mới. Năm 2011, sản lượng khách thông qua các cảng đạt 35,7 triệu lượt (tăng 13,1% so với năm 2010), tổng thị trường vận tải đạt 23,7 triệu khách (tăng 13%), hàng hóa đạt 420.000 tấn (tăng 17,1%)... Hầu hết các cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng hai con số, phát sinh nhu cầu xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng nhà ga, đường hạ cất cánh, trang thiết bị… với vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, vốn ngân sách của nhà nước đầu tư cho hạ tầng hàng không chỉ đáp ứng được khoảng 20-30%, vốn ODA phân bổ cho ngành hàng không hạn hẹp, đòi hỏi các Tổng công ty Cảng hàng không huy động mọi nguồn lực, đồng thời chủ động nguồn vốn đầu tư, đặc biệt nguồn vốn tự có giữ vai trò quan trọng.
Ngày 08/2/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã ra Quyết định số 238/QĐ-BGTVT hợp nhất ba tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam nhằm tập trung nguồn lực và giải bài toàn nguồn vốn, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế đất nước, mang lại bước phát triển đột phá của hệ thống cảng hàng không trong cả nước - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã được ra đời từ đây.