Năm 2013 được nhận định là một năm khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản nói chung, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và cá basa nói riêng.
Tháng 3 năm 2013, Bộ thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết áp dụng thuế chống bán phá giá xuất khẩu cá da trơn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế hầu hết tăng vài chục lần so với trước. Tháng 5/2013, một lần nữa DOC lại công bố mức thuế nói trên được tiếp tục tăng lên khoảng 65% so với mức thuế đã công bố tháng 3/2013. Lý do được DOC đưa ra là lần trước số liệu tính toán có sai sót!
Như vậy, trong khi mức thuế 0,77 USD/kg đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu kêu trời, thì mức thuế mới 1,29 USD/kg quả thực là một gánh nặng đối với các doanh nghiệp cá da trơn Việt Nam. Có thể kể tới các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp sau: HVG, AGF,AGD, ANV, AVF, VHC, CAD,
Tuy nhiên, quan sát kế hoạch kinh doanh 2013 của các doanh nghiệp cá da trơn nói trên, tình hình có vẻ không quá "bi đát".
Kế hoạch tăng vốn điều lệ và mở rộng kinh doanh
Với kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh, khép kín chuỗi giá trị sản xuất, Thủy sản Hùng Vương năm vừa qua đã thâu tóm và đưa VTF thành công ty con, đầu tư vào FMC. Biến động về công ty con và công ty liên kết đã khiến trong riêng quý 1/2013, HVG chi tới 29 tỷ đồng cho cổ đông thiểu số trên tổng số 134,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty này.
Năm 2013, HVG dự kiến tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng chủ yếu thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 (và một lượng nhỏ chào bán cho cán bộ chủ chốt). Không trực tiếp thu hút thêm tiền, nhưng việc tăng vốn điều lệ của HVG mở ra cơ hội cho công ty này mở rộng đầu tư dựa trên vốn điều lệ khổng lồ nói trên.
Đối với AVF, mặc dù hủy kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 3:1 đã được thông qua ở ĐHCĐ thường niên 2012, năm 2013 công ty này tiếp tục ý định tăng vốn điều lệ từ 280 tỷ đồng lên gần 520 tỷ đồng thông qua phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và CBCNV. Tính ra, tỷ lệ pha loãng cổ phiếu của AVF lên tới 86%.
VHC lại có hướng khác. Công ty này chủ trương mở rộng kinh doanh, tăng cường đầu tư vào nhà máy Collagen dự kiến ngốn khoảng 450 tỷ đồng trong 2 năm 2013 và 2014 trong đó CAPEX cho riêng năm 2013 đạt 300 tỷ đồng. Diện tích nuôi cá tra năm 2013 cũng được tăng thêm, dự kiến đầu tư thêm 70 tỷ đồng trong năm 2013.
Kế hoạch đưa ra của VHC không đặt vấn đề về việc tăng vốn. Rõ ràng so với vốn điều lệ trên 475 tỷ đồng, tổng dự toán đầu tư năm 2013 với 435 tỷ đồng không phải là con số nhỏ.
Đáng lưu ý, trong trao đổi với chúng tôi vào tháng 4/2013, đại diện VHC cho biết do hụt nguồn cung sau phán quyết về thuế chống bán phá giá, giá xuất khẩu cá tra từ VHC sang Mỹ đang tăng khá mạnh, từ 0,4-0,5 USD/kg, "thừa sức" bù lắp khoản chi phí về thuế 0,19 USD bị áp đặt (và đang là tạm tính). Tính bình quân, VHC "lãi" từ 0,21 - 0,31 USD/kg sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ sau POR 8.
Nếu tính theo phán quyết mới nhất, mức thuế tăng thêm 0,52 USD/kg, những thuận lợi nói trên là chưa thể nói trước.
Kế hoạch lợi nhuận lạc quan
Ngoài những kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất, kế hoạch lợi nhuận năm 2013 của các doanh nghiệp nói trên tương đối sáng sủa,
Ngoại trừ AGD đề xuất kế hoạch lợi nhuận giảm nhẹ 2% (đến 21/6/2013, công ty mới tổ chứ ĐHCĐ thường niên 2013) và lên phương án hủy niêm yết tự nguyện (không có trong nội dung tài liệu ĐHCĐ), các doanh nghiệp còn lại đều đề ra kế hoạch lợi nhuận tăng so với thực hiện năm 2012.
ANV là doanh nghiệp lên kế hoạch tăng lợi nhuận "khủng" nhất với mức lợi nhuận kế hoạch 2013 gấp 4 lần năm 2012.
Trình bày tại ĐHCĐ, ông Doãn Tới, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ cho biết năm 2013 công ty tiếp tục đầu tư phát triển bền vững qua việc mở rộng vùng nuôi và tự sản xuất thức ăn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hướng tới mục tiêu doanh số xuất khẩu 105 triệu USD.
Năm 2012, ANV nổi lên với vụ việc vay nội bộ (cụ thể là bà Dương Thị Kim Hương, phó TGĐ) 100 tỷ đồng, và đồng thời tuyên bố có thể tiếp tục vay ông Doãn Tới khi ông này có tiền nhàn rỗi. Lý do vay nội bộ đơn giản là do ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu vốn của công ty.
2 công ty "mẹ - con" HVG và AGF cũng không kém cạnh khi đặt ra kế hoạch lợi nhuận 2013 bằng từ 2,5 đến 2,8 lần so với thực hiện 2012.
Được biết, trong tuyên bố vào tháng 3/2013, AGF cho biết công ty không phải chịu phán quyết của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR 8) mà vẫn được hưởng mức thuế 0,02 USD/kg từ POR 7. VASEP cũng đã khẳng định lại thông tin nói trên.
Với vụ việc này, rõ ràng AGF có những lợi thế đáng kể so với doanh nghiệp cùng ngành. Đến lượt HVG, công ty mẹ của AGF cũng được hưởng lợi khi công ty này có thể xuất khẩu qua AGF.
Chính vì thế, kế hoạch tăng lợi nhuận và mở rộng kinh doanh của AGF và HVG không phải là điều quá khó hiểu.
Minh Huyền
Theo Trí Thức Trẻ
Bình luận
0 Bình luận