Cây cầu này là nút thắt cuối cùng của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, khiến toàn bộ dự án phải dời thời gian hoàn thành.
Theo báo Pháp Luật TP. HCM, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, liên danh Công ty CP Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam đã trúng thầu gói J3-1 (cầu Phước Khánh) thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Giá trị hợp đồng hơn 635 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến kéo dài 450 ngày.
Gói thầu này bao gồm thi công phần khối lượng còn lại của gói J3, vốn là một trong những hạng mục quan trọng của dự án cầu Phước Khánh. Theo lãnh đạo VEC, nhà thầu đã huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị và sẵn sàng triển khai thi công từ ngày 1/5.

Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, thuộc địa phận xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, được khởi công từ ngày 18/7/2015. Cầu có thiết kế dây văng với tĩnh không cao 55m, thuộc nhóm cầu có tĩnh không cao nhất Việt Nam nhằm bảo đảm lưu thông cho tàu thuyền ra vào cụm cảng Cát Lái (TP.HCM).
Cùng với cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh là một trong hai cây cầu lớn trên tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai). Cầu dài hơn 3.100m, trụ cầu cao trên 100m, mặt cầu rộng 22m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn 1 cho phép lưu thông với tốc độ 80km/h, sau đó sẽ nâng lên 100km/h ở giai đoạn 2.

Cầu Phước Khánh cũng là "nút thắt" cuối cùng của toàn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, khiến tiến độ dự án phải lùi thời gian hoàn thành đồng bộ sang tháng 9/2026. Ban đầu, cầu dự kiến hoàn thành năm 2019, song nhiều vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách và các khó khăn khác khiến công trình kéo dài. Năm 2023, dự án được tái khởi động nhưng tiến độ vẫn chậm do phải chờ hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cầu Phước Khánh sẽ góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, một dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 57,8km, đi qua TP. HCM, Long An và Đồng Nai. Tuyến cao tốc này khi thông suốt sẽ kết nối giao thông giữa Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chi Chi - nguoiquansat.vn
Theo reatimes.vn
Bình luận
0 Bình luận