Tổng kinh phí khái toán cho công tác GPMB và tái định cư vào khoảng 16.600 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo đề xuất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) và bố trí tái định cư phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn thành phố.
Theo phương án, đoạn tuyến đi qua Đà Nẵng có chiều dài hơn 116km, băng qua 24 xã, phường, bắt đầu từ phường Hải Vân và kết thúc tại xã Núi Thành.
Hướng tuyến chủ yếu chạy song song với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với khoảng cách gần nhất giữa hai trục là 32m, xa nhất là 2,93km. Ngoài ra, tuyến sẽ có một điểm giao khác mức với cao tốc tại xã Tam Xuân.
Trên đoạn tuyến này sẽ bố trí hai ga hành khách (ga Đà Nẵng và ga Tam Kỳ), một ga hàng hóa (ga Chu Lai) cùng 4 depot và trạm bảo dưỡng.

Về công tác giải phóng mặt bằng, dự án dự kiến thu hồi hơn 843ha đất, ảnh hưởng đến khoảng 2.139 hộ dân với nhu cầu tái định cư lên tới 3.148 lô. Để đáp ứng nhu cầu này, Đà Nẵng dự kiến xây dựng 35 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 211ha.
Tổng kinh phí khái toán cho công tác GPMB và tái định cư vào khoảng 16.600 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 12.900 tỷ đồng; chi phí xây dựng các khu tái định cư hơn 3.692 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đã kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng báo cáo, đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để có cơ sở bàn giao mốc ranh giới GPMB, phục vụ triển khai tại địa phương. Đồng thời, kiến nghị Trung ương ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất được phép triển khai lập quy hoạch chi tiết các khu tái định cư (theo hướng lập tổng mặt bằng theo quy trình rút gọn) song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm rút ngắn tiến độ triển khai dự án.
Được biết, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15, chính thức quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án có tổng chiều dài 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến sẽ được xây dựng mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Tổng thể dự án bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, hệ thống phương tiện, thiết bị đồng bộ. Tuyến đường sắt này được thiết kế chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng cho quốc phòng, an ninh và có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, dự án áp dụng mô hình đường sắt chạy trên ray, sử dụng hệ thống điện khí hóa, đảm bảo hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính khoảng 67,34 tỷ USD, từ nguồn ngân sách Nhà nước, bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về sử dụng đất, dự án cần khoảng 10.827ha, trong đó có 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha thuộc các loại đất khác theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024. Riêng nhu cầu tái định cư, dự kiến khoảng 120.000 hộ dân sẽ phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng chính thức sáp nhập với tên gọi TP. Đà Nẵng.
Sau sáp nhập, diện tích tăng thêm của Đà Nẵng là gần 10.575km2 và tổng diện tích là hơn 11.859km2, quy mô dân số thành phố hơn 2,77 triệu người. Với diện tích mới này, dự kiến sau sáp nhập, Đà Nẵng sẽ có diện tích lớn nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Việt Hoàng - nguoiquansat.vn
Theo reatimes.vn
Bình luận
0 Bình luận