Từ đầu năm 2025, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tăng mạnh trở lại, trở thành một trong những mã hồi phục ấn tượng nhất trong nhóm doanh nghiệp từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đà tăng đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm bĩ cực.
Từng là một trong những biểu tượng của khối doanh nghiệp Nhà nước niêm yết, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chính thức chào sàn HoSE ngày 3/1/2017 với giá tham chiếu 28.000 đồng/cp (giá sau điều chỉnh là 23.360 đồng). Chỉ hơn một năm sau, vào phiên 23/1/2018, HVN lập đỉnh lịch sử tại 45.210 đồng/cp – thời kỳ đỉnh cao của ngành hàng không và lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2017–2019, HVN duy trì nền giá quanh vùng 28.000 đồng, song sóng với đó là kết quả kinh doanh vững vàng khi hãng bay quốc gia báo lãi bình quân trên 2.500 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến đã đẩy Vietnam Airlines vào khủng hoảng tài chính sâu sắc, gây thua lỗ hơn 41.000 tỷ đồng trong 4 năm liên tiếp (2020–2023). Cổ phiếu HVN trượt dài theo đà suy thoái, bị hạn chế giao dịch, cắt margin và có thời điểm rơi về mức 8.000 đồng (phiên 16/11/2022).
Tuy nhiên, kể từ đáy kỹ thuật giữa tháng 11/2022 đến nay, cổ phiếu HVN đã có màn lội ngược dòng ấn tượng. Phiên sáng 22/5/2025, mã này bất ngờ tăng trần lên 39.000 đồng/cp, đánh dấu mức tăng khoảng 360% trong vòng 30 tháng. Từ đầu năm 2025 đến nay, HVN đã tăng gần 55% thị giá – một trong những mã hồi phục mạnh nhất trong nhóm doanh nghiệp từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Yếu tố đầu tiên góp phần tạo nên nhịp tăng này đến từ sự kiện hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào vận hành từ ngày 5/5/2025. Trong khi với phần lớn cổ phiếu trên thị trường, KRX chưa tạo ra khác biệt rõ rệt, thì với HVN, thay đổi về quy chế giao dịch mang tính bước ngoặt.
Từ vị thế “chỉ giao dịch mỗi thứ Sáu”, cổ phiếu HVN được cởi trói, giao dịch đủ cả tuần. Nhờ đó, thanh khoản cải thiện rõ rệt, nhiều phiên ghi nhận khối lượng từ 4 đến 10 triệu đơn vị – mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cùng với thay đổi về kỹ thuật giao dịch, dấu hiệu phục hồi nội tại của Vietnam Airlines là yếu tố mang tính nền tảng. Năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 106.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 8.000 tỷ – mức cao kỷ lục từ khi thành lập. Động lực phục hồi đến từ nhu cầu hàng không nội địa bùng nổ hậu Covid-19, thị trường quốc tế mở lại và sự suy giảm quy mô của một số đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, việc xử lý lỗ lũy kế tại Pacific Airlines giúp tập đoàn xóa đi gánh nặng hơn 4.700 tỷ đồng.
![]() |
Thông số tài chính của Vietnam Airlines 4 năm gần nhất |
Tuy vậy, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay vẫn là vốn chủ sở hữu âm hơn 9.300 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng này, Vietnam Airlines lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, huy động vốn từ cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư chiến lược, đồng thời thực hiện tái cơ cấu tài chính sâu rộng.
Theo kế hoạch, nguồn vốn mới sẽ được sử dụng để bù đắp thiếu hụt dòng tiền hậu Covid-19, trả nợ đến hạn và đặc biệt là đầu tư dài hạn – trong đó có chương trình hiện đại hóa đội tàu bay.
Ngày 23/4/2025, Vietnam Airlines đã ký kết biên bản ghi nhớ với Vietcombank để thu xếp vốn cho dự án mua 50 máy bay thân hẹp trị giá khoảng 92.800 tỷ đồng (tương đương 3,6 tỷ USD). Quá trình thu xếp vốn dự kiến kéo dài từ năm 2026 đến 2032, hướng tới mục tiêu mở rộng đội bay lên 37 tàu thân rộng, 95 thân hẹp và 5 ATR vào năm 2030. Đến 2035, hãng dự kiến vận hành 164 máy bay, tăng đáng kể so với quy mô hiện tại (khoảng 100 chiếc).
Sở hữu gần 30.000 cổ đông và 2,21 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vietnam Airlines đang đứng trước chu kỳ chuyển mình sau nhiều năm khủng hoảng. Nếu thành công huy động vốn, xử lý âm vốn chủ sở hữu và tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh, HVN hoàn toàn có cơ hội tái lập vùng giá đỉnh từng thiết lập 7 năm trước – điều mà chỉ 12 tháng trước đây còn bị coi là bất khả thi.
Quốc Trung - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận