Hàng hóa

‘Lật tẩy’ đường dây sản xuất hàng giả sau 6 tháng theo dõi: Mặt hàng chủ yếu là gạo và rượu, ước tính giá trị lên tới 2.500 tỷ đồng

Chiến dịch truy quét kéo dài 6 tháng đã vạch trần hàng loạt đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả xuyên biên giới, gây chấn động thị trường thực phẩm tại châu Âu.

Hơn 22.000 tấn thực phẩm và 850.000 lít đồ uống bị tịch thu trong Chiến dịch Opson XIII – chiến dịch quy mô lớn do Europol chủ trì nhằm chống gian lận thực phẩm trên toàn châu Âu. Giá trị số hàng hóa bị thu giữ ước tính lên tới 91 triệu euro (tương đương khoảng 98,3 triệu USD, khoảng 2.500 tỷ đồng)

Diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, Opson XIII tập trung triệt phá các đường dây cung ứng hàng giả, hàng kém chất lượng trong ngành thực phẩm và đồ uống. Chiến dịch có sự phối hợp của lực lượng hải quan và cơ quan chức năng từ nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đan Mạch, Na Uy...

‘Lật tẩy’ đường dây sản xuất hàng giả sau 6 tháng theo dõi: Mặt hàng chủ yếu là gạo và rượu, ước tính giá trị lên tới 2.500 tỷ đồng
Lực lượng chức năng tịch thu 22.000 tấn thực phẩm, tiêu hủy 4,2 tấn gạo giả và 850.000 lít đồ uống không đảm bảo chất lượng. Ảnh minh hoạ

Văn phòng Chống gian lận Châu Âu (OLAF) đóng vai trò then chốt, hỗ trợ các nước thành viên EU và Na Uy thu giữ khoảng 40.000 lít đồ uống có cồn bất hợp pháp. Nhiều sản phẩm bị làm giả từ bao bì, nhãn mác cho đến giấy tờ, với mục đích đánh lừa người tiêu dùng.

Gạo và quả việt quất – tâm điểm của các sai phạm

Tại Thụy Điển, Cơ quan Thực phẩm Livsmedelsverket đã kiểm tra hơn 600 tấn gạo, chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ và Pakistan. Phần lớn số này bị phát hiện dán nhãn sai – ghi là gạo Basmati loại cao cấp "1121" nhưng thực chất là loại kém chất lượng hoặc khác chủng loại.

Ngoài hành vi gian lận nhãn mác để đội giá, nhiều lô hàng còn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như nhiễm sâu bệnh, quá hạn sử dụng, giả ngày sản xuất, không thể truy xuất nguồn gốc. Kết quả, 4,2 tấn gạo bị tiêu hủy và 5 công ty bị tạm ngừng hoạt động.

‘Lật tẩy’ đường dây sản xuất hàng giả sau 6 tháng theo dõi: Mặt hàng chủ yếu là gạo và rượu, ước tính giá trị lên tới 2.500 tỷ đồng
Gạo và rượu là 2 mặt hàng trọng điểm bị giả trong chiến dịch truy quét này. Ảnh minh hoạ

Tại Đức, trọng điểm kiểm tra là các sản phẩm ghi nhãn “quả việt quất dại”. Qua kiểm nghiệm 70 mẫu tại 8 bang, cơ quan chức năng phát hiện một nửa số sản phẩm không chứa việt quất dại thật mà là các giống việt quất giá rẻ hơn.

Sai phạm phổ biến nhất ghi nhận ở các sản phẩm đóng hộp, trong đó 3/4 mẫu bị xác định ghi nhãn sai. Các sản phẩm đông lạnh và khô cũng có mức độ gian lận tương tự.

Riêng tại Phòng thí nghiệm Nhà nước Berlin-Brandenburg, trong số 28 mẫu kiểm tra từ năm 2021 đến nay, 24 mẫu bị phát hiện gắn nhãn sai sự thật.

Chiến dịch Opson XIII tiếp tục phơi bày thực trạng gian lận thực phẩm nghiêm trọng tại châu Âu. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho vai trò thiết yếu của hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo minh bạch chuỗi cung ứng thực phẩm trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp.

Châu Sa - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư