Bất động sản

NÓNG: Bộ Tài chính bị phê bình sau vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê bình Bộ Tài chính không chỉ báo cáo "rất chậm" mà còn chưa thực hiện đúng các yêu cầu chỉ đạo có liên quan đến sự việc này.

Thông tin mới nhất trên báo Thanh Niên cho biết, sáng ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản về việc kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án Xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai).

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ Tài chính về việc kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã cho ý kiến.

Theo đó, tại văn bản chỉ đạo ra ngày 29/5, Phó Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu thời hạn báo cáo là 10/6. Tuy nhiên, đến ngày 19/6, Bộ Tài chính mới có báo cáo là rất chậm, đề nghị Bộ này hết sức rút kinh nghiệm.

NÓNG: Bộ Tài chính bị phê bình sau vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu- Ảnh 1.
Hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay là Đồng Nai). Ảnh: Báo Thanh Niên

Ngoài ra, nội dung báo cáo và kiến nghị cũng chưa thể hiện đúng trách nhiệm, chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu, chưa thực hiện đúng quy định đối với công tác kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu; không nêu cũng như phân tích cụ thể về kết quả kiểm tra và không nêu nội dung kết luận cũng như các kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm tra, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ năng lực tổ chuyên gia, kết quả lựa chọn nhà thầu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo rõ, đầy đủ và có kiến nghị cụ thể về quá trình lựa chọn nhà thầu tại một gói thầu quan trọng, sau khi phát hiện nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác kiểm tra, đánh giá.

Trước đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm tra toàn diện quá trình lựa chọn nhà thầu, bao gồm: nội dung Hồ sơ mời thầu (E-HSMT), kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT), việc xử lý, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, năng lực và kinh nghiệm của Tổ chuyên gia, cùng các nội dung liên quan khác.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ thực hiện kiểm tra đối với chứng chỉ đấu thầu và giao Ban Quản lý dự án tự chịu trách nhiệm về năng lực, kinh nghiệm của các thành viên Tổ chuyên gia. Kết luận kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc nêu nhận xét: "Nội dung đánh giá 'không đáp ứng' của Tổ chuyên gia" mà không làm rõ năng lực thực tế của nhóm này.

NÓNG: Bộ Tài chính bị phê bình sau vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu- Ảnh 2.
Phối cảnh cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng nhận định Bộ Tài chính đã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo chỉ đạo. Ông yêu cầu Bộ phải đánh giá lại toàn diện năng lực của Tổ chuyên gia, không chỉ dừng ở kiểm tra chứng chỉ mà cần xem xét cả kinh nghiệm thực tiễn, năng lực chuyên môn và sự phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu.

Về nội dung cần làm rõ trong báo cáo, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung vào bốn nhóm vấn đề:

Thứ nhất, đánh giá chi tiết nội dung E-HSMT, xác định các yêu cầu có đảm bảo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là những nội dung có thể gây cách hiểu khác nhau như: yêu cầu về BIM, tiêu chuẩn về ký hiệu, mã hiệu, nhãn mác, xuất xứ thiết bị chính và tiêu chuẩn đánh giá thiết bị theo Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT.

Báo cáo cần chỉ rõ nếu có sự không thống nhất trong các tiêu chí, liệu điều này có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá E-HSDT và quá trình lựa chọn nhà thầu hay không.

Thứ hai, rà soát quy trình đánh giá E-HSDT của các nhà thầu do Tổ chuyên gia và Chủ đầu tư thực hiện, làm rõ việc tuân thủ E-HSMT, đảm bảo tính chính xác, khách quan, thống nhất, nhất là đối với phần đánh giá năng lực thiết bị thi công và sự đồng bộ giữa báo cáo chi tiết với báo cáo tổng hợp. Đặc biệt, phải xem xét việc Tổ chuyên gia có thực hiện làm rõ E-HSDT theo quy định tại Điều 28 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hay không.

Thứ ba, đối với năng lực Tổ chuyên gia, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá đầy đủ về số lượng, năng lực, kinh nghiệm từng thành viên, trên cơ sở quy định pháp luật về đấu thầu. Báo cáo cần chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm nếu có sự khác biệt giữa các báo cáo đánh giá hoặc việc không tiến hành làm rõ E-HSDT.

Thứ tư, về kết quả lựa chọn nhà thầu, Bộ Tài chính cần có nhận xét cụ thể, làm rõ quy trình thẩm định và phê duyệt có đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hay không. Đồng thời xác định nhà thầu được đề nghị trúng thầu có đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và giải pháp kỹ thuật theo yêu cầu của gói thầu hay không.

Đặc biệt, Bộ Tài chính phải đưa ra kiến nghị rõ ràng về hướng xử lý tiếp theo, như: tiếp tục ký hợp đồng với nhà thầu hiện tại, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ hoặc đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp khác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Phước (nay là UBND tỉnh Đồng Nai) để hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/7, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cần chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và Tổ chuyên gia đấu thầu phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác theo Quyết định số 1935/QĐ-BTC ngày 2/6 của Bộ Tài chính, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu và thông tin liên quan. Việc giải quyết các kiến nghị của nhà thầu cũng phải được thực hiện kịp thời, đúng quy định pháp luật về đấu thầu.

Trước đó, theo thông tin trên báo Vietnamnet, dưới góc độ quản lý dự án, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật, Phòng Quản lý thực hiện dự án 1 (Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội) - ông Nguyễn Tiến Thông cho rằng giá dự thầu thấp chưa hẳn là tín hiệu tích cực, nguyên nhân có thể xuất phát từ việc tính toán chưa đầy đủ, chưa chính xác các yếu tố về chi phí.

Tại buổi tọa đàm "Ứng dụng GIS và BIM - Cơ hội và thách thức" do Báo Xây dựng tổ chức ngày 27/6, ông Thông cho rằng làm dự án bây giờ không chỉ có tài sản mà còn kèm theo tài sản số và BIM là giải pháp tạo ra tài sản số.

Thời gian vừa qua, việc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) - đơn vị dự thầu với giá thấp nhất (hơn 732 tỷ đồng), bị loại do không đạt yêu cầu kỹ thuật, gửi kiến nghị không đồng ý với kết quả đấu thầu khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Dù được biết đến là nhà thầu có năng lực thi công nhiều dự án cao tốc lớn, Tập đoàn Sơn Hải đã không vượt qua vòng đánh giá hồ sơ kỹ thuật tại gói thầu thuộc dự án cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước. Theo thông tin từ cơ quan mời thầu, hồ sơ của Sơn Hải không đáp ứng một số tiêu chí kỹ thuật bắt buộc, dẫn đến bị loại từ sớm.

Phía chủ đầu tư cho rằng Tập đoàn Sơn Hải không đáp ứng nhu cầu về thiết bị vật tư cũng như về mô hình thực hiện thông tin công trình (BIM); không đáp ứng yêu cầu về máy móc, thiết bị phục vụ thi công.

Tuyến cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài gần 70km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương dài 52,1km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 7,1km.

Ngoài ra, tuyến còn có nhánh nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 dài khoảng 7km; trong đó 4km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư theo quy mô đường đô thị 8 làn xe, còn 3 km trên địa bàn TP. HCM hiện chưa được triển khai xây dựng.

Toàn tuyến có tổng cộng 21 cây cầu trên cao tốc, 5 cầu vượt trực thông, 14 hầm chui dân sinh và 4 nút giao liên thông gồm: Nút giao Khánh Vân, nút giao ĐT.741, nút giao Vành đai 4 – TP. HCM và nút giao với đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng.

Hải Đăng - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn