Bất động sản

Toàn cảnh vị trí Liên danh Đèo Cả đề xuất xây đại lộ 43km dọc con sông huyết mạch của Thủ đô

Tuyến đại lộ này không chỉ phục vụ giao thông mà còn đóng vai trò là trục cảnh quan – văn hóa, kết nối Thủ đô với dòng sông gắn bó nghìn năm lịch sử.

Liên danh Đèo Cả – Văn Phú vừa được UBND Hà Nội chấp thuận nghiên cứu đề xuất quy hoạch dự án mang tên "Xây dựng Đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng", theo hình thức hợp tác công tư (PPP/BT). Dự án có quy mô khổng lồ, với diện tích nghiên cứu lên đến khoảng 7.800ha, trải dài gần 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở và đi qua 55 phường/xã.

Toàn cảnh vị trí Liên danh Đèo Cả đề xuất xây đại lộ 43km dọc con sông huyết mạch của Thủ đô- Ảnh 1.
Phối cảnh đại lộ ven sông. Ảnh: Báo Dân trí

Khu vực đề xuất nghiên cứu nằm dọc theo tuyến đê sông Hồng, đoạn qua địa bàn các quận như Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Thanh Trì. Nơi đây hiện tồn tại những mảng đê đất cao gần 10m, vừa là tuyến phòng hộ lũ lụt, vừa là ranh giới hữu hình ngăn cách nội đô với khu vực bãi ven sông.

Dưới chân đê là hàng loạt khu dân cư, xóm ven sông, bãi giữa chưa được chỉnh trang, nơi người dân sống trong điều kiện hạ tầng chắp vá. Mặt khác, một số khu vực lại bị bỏ hoang, trở thành bãi tập kết vật liệu, bãi rác tự phát hay vườn chuối dại chạy dài theo dòng chảy.

Toàn cảnh vị trí Liên danh Đèo Cả đề xuất xây đại lộ 43km dọc con sông huyết mạch của Thủ đô- Ảnh 2.
Đường dự án đi dọc bãi sông ở hai bên theo đề xuất. Ảnh: Báo Tiền Phong

Toàn tuyến ven sông hiện chỉ có một số đoạn có đường gom nhỏ, phần lớn giao thông liên khu vực phải qua các cầu như Long Biên, Chương Dương hoặc Vĩnh Tuy, và hoàn toàn không có tuyến đại lộ ven sông đúng nghĩa. Điều đó khiến khu vực giàu tiềm năng này vẫn bị "cắt lìa" khỏi trục phát triển của đô thị trung tâm.

Trong đề xuất gửi UBND TP. Hà Nội, liên danh Đèo Cả – Văn Phú đặt vấn đề nghiên cứu một đại lộ mới chạy song song với tuyến đê sông Hồng hiện tại. Liên danh này cũng đề xuất được sử dụng khoảng 7.800ha đất ở các bãi sông để phát triển cảnh quan, không gian công cộng, hạ tầng xanh, tạo vành đai liên kết xuyên suốt từ trung tâm thành phố ra các quận phía Nam và Đông Hà Nội.

Toàn cảnh vị trí Liên danh Đèo Cả đề xuất xây đại lộ 43km dọc con sông huyết mạch của Thủ đô- Ảnh 3.
Dự án đề xuất sử dụng khoảng 7.800ha đất ở các bãi sông. Ảnh: Báo Tiền Phong

Khi qua nội thành Hà Nội trục đại lộ sẽ kết nối với các nút giao lớn và các cầu qua sông như Nhật Tân, Tứ Liên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì... Tuyến đại lộ này không chỉ phục vụ giao thông mà còn đóng vai trò là trục cảnh quan – văn hóa, kết nối thủ đô với dòng sông gắn bó nghìn năm lịch sử.

Mục tiêu dài hạn của dự án không chỉ là một con đường giao thông—mà là một hành lang sinh thái – văn hóa – giao thông, kết hợp các khu vực công cộng ven sông, công viên bậc thang, quảng trường, tổ hợp thương mại – dịch vụ, và những công trình biểu tượng mang sắc thái Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Toàn cảnh vị trí Liên danh Đèo Cả đề xuất xây đại lộ 43km dọc con sông huyết mạch của Thủ đô- Ảnh 4.
Khi qua nội thành Hà Nội trục đại lộ sẽ kết nối với các cây cầu lớn. Ảnh: Báo Tiền Phong

Trong bối cảnh Hà Nội đang mở rộng không gian phát triển đô thị, việc xây dựng tuyến đại lộ và chỉnh trang cảnh quan dọc đê sông Hồng không chỉ là một dự án hạ tầng, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng. Nó gợi mở một tầm nhìn mới cho thủ đô – nơi dòng sông không còn bị quay lưng, mà trở thành trục sống động của đô thị, kết nối giữa lịch sử – hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, hiện tại đây mới chỉ là đề xuất. Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyến đại lộ và cảnh quan này thuộc hành lang thoát lũ và bảo vệ đê điều, nên phải tính toán kỹ việc bảo đảm an toàn cho đê và không ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Tâm An - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn