Tài chính ngân hàng

Vốn hoá thị trường ngân hàng 2023: Liệu thứ hạng có bị 'lật ngược'?

Duy nhất một cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng nhanh vượt bậc cả về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng, giúp “lật ngược” thứ hạng trong nhóm 10 ngân hàng vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán.

10 nhà băng có vốn hoá lớn nhất gọi tên ai?

Dựa trên số liệu thống kê vốn hoá của 27 ngân hàng được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, cuối năm 2023, tổng vốn hoá thị trường đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, so với thời điểm thị trường “hưng phấn” vào cuối năm 2021, con số này vẫn còn kém mốc 1,9 triệu tỷ đồng.

Xét về tổng quy mô, tại thời điểm cuối năm 2023, 10 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất ngành ngân hàng là VCB (378,6 nghìn tỷ đồng), BID (195,3 nghìn tỷ đồng), VPB (120,1 nghìn tỷ đồng), CTG (130,9 nghìn tỷ đồng), TCB (90,9 nghìn tỷ đồng), MBB (77,5 nghìn tỷ đồng), ACB (73,9 nghìn tỷ đồng), SSB (67,1 nghìn tỷ đồng), HDB (40,1 nghìn tỷ đồng) và STB (42,4 nghìn tỷ đồng).

Đặc biệt, chỉ tính riêng nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất đã chiếm đến 82% tổng vốn hóa ngành ngân hàng.

Vốn hoá thị trường ngân hàng 2023: Liệu thứ hạng có bị 'lật ngược'?

Nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất ngành ngân hàng cuối năm 2023

Thế cờ có bị “lật ngược"?

So với năm 2022, xếp hạng 10 nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất năm 2023 đã bị xáo trộn, trong khi Vietinbank và Sacombank thất bại trong việc giữ thứ hạng, VPBank và HDBank là 2 ngân hàng hiếm hoi tăng bậc trong bảng xếp hạng ngân hàng lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Vốn hoá thị trường ngân hàng 2023: Liệu thứ hạng có bị 'lật ngược'?

Thay đổi xếp hạng 10 mã cổ phiếu vốn hoá lớn nhất ngành ngân hàng

Đáng chú ý, HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo xuất sắc vượt qua Sacombank để giật lấy vị trí thứ 9.

Trong nhóm 10 ngân hàng có quy mô vốn hoá lớn nhất năm 2023, HDBank là ngân hàng có tỷ lệ thay đổi vốn hoá cao nhất, lên đến 46,4%, trong khi “ông lớn” Vietcombank chỉ tăng 18,5%. Cụ thể, vào thời điểm 30/12/2022, vốn hoá HDBank đạt 40 nghìn tỷ đồng, trong khi kết năm 2023, con số này đã vượt lên đến 58,7 nghìn tỷ đồng.

Vốn hoá thị trường ngân hàng 2023: Liệu thứ hạng có bị 'lật ngược'?

Tỷ lệ thay đổi vốn hoá thị trường của HDBank cao nhất so với nhóm 10 ngân hàng vốn hoá cao nhất 2023

Không quá khó đoán với kết quả này khi kết thúc năm 2023, với mức tăng thị giá hơn 54%, cổ phiếu HDB lọt nhóm 3 mã cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng thị giá cao nhất toàn ngành ngân hàng (dựa theo giá điều chỉnh). Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất rổ VN30, vượt trội so với các mã như VIB (+32,4%), ACB (+30,7%), MBB (+28,6%), TPB (+27,7%), BID (+26,7%),...

9 tháng đầu năm 2023, HDBank nâng cao kỳ vọng của nhà đầu tư bằng kết quả kinh doanh ấn tượng. Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập vượt 18.156 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ, trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 12,5% và thu nhập ngoài lãi tăng 14,1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.632 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trở thành một trong những ngân hàng hiếm hoi tăng trưởng trong bối cảnh thị trường khó khăn với ngành ngân hàng.

Ngoài HDBank, VPBank đã vượt qua ông lớn VietinBank để trở thành ngân hàng lớn thứ 3 thị trường, đồng thời cũng nới rộng khoảng cách với ngân hàng Techcombank trong cuộc đua ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, 2 ngân hàng tăng vốn hoá mạnh nhất tiếp tục là Vietcombank và BIDV, mức tăng lần lượt là 70 nghìn tỷ đồng và 52 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023 là năm “sáng” hơn với ngành ngân hàng về thay đổi vốn hoá thị trường. Cụ thể, có tới 20 ngân hàng ghi nhận tăng vốn hoá trong năm 2023, trong khi đó chỉ có 7 ngân hàng giảm vốn hoá. Con số này trái ngược với thời điểm cuối năm 2022, vốn hóa ngành ngân hàng giảm sâu khi có 25 tới ngân hàng giảm vốn hoá và chỉ có 2 “ông lớn” Vietcombank và BIDV ghi nhận kết quả tăng. Tính đến cuối năm 2023, vốn hoá nhóm ngành ngân hàng đã tăng 301,6 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 30/12/2022.

>> Cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh tháng 12/2023

Minh Nguyệt
Theo dautu.kinhtechungkhoan.vn