Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km và tài nguyên biển phong phú, Việt Nam đặt mục tiêu đưa kinh tế biển đóng góp trực tiếp 10% GDP vào năm 2030, trở thành động lực phát triển bền vững trong dài hạn.
Vai trò ngày càng lớn của kinh tế biển trong cơ cấu GDP
Với hơn 3.260 km đường bờ biển, khoảng 1 triệu km² vùng đặc quyền kinh tế và tầm 3.000 hòn đảo, Việt Nam sở hữu lợi thế biển hiếm có trên bản đồ kinh tế thế giới. Đây được ví như “kho báu” ngoài khơi – không chỉ về tài nguyên mà còn là dư địa tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Các lĩnh vực như cảng biển, logistics, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, dầu khí, du lịch ven biển, năng lượng tái tạo trên biển (điện gió ngoài khơi) đều đang phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia.
Theo báo cáo “Kinh tế - xã hội các địa phương ven biển giai đoạn 2011–2022” do Cục Thống kê (GSO) công bố, kinh tế biển và các tỉnh ven biển đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Giai đoạn 2011–2022, GRDP của các địa phương ven biển tăng bình quân 6,12% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (6,06%). Đáng chú ý, các tỉnh ven biển đóng góp bình quân 47,6% vào tăng trưởng cả nước và hiện đang chiếm hơn 50% tổng GRDP.
Các ngành kinh tế biển trọng điểm như logistics cảng biển, khai thác thủy sản, nuôi trồng biển, du lịch ven biển, và năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện có 34 cảng biển, đảm nhận hơn 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Năm 2024, lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt gần 750 triệu tấn, tăng hơn 4% so với năm trước.
Du lịch biển cũng là điểm sáng, khi chiếm hơn 70% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, với những địa danh như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Một loạt dự án lớn góp phần nâng cấp hạ tầng du lịch ven biển như: NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Sun Grand City New An Thới (Phú Quốc) hay Tổ hợp nghỉ dưỡng Bãi Sao và Mũi Ông Đội – Nam đảo Phú Quốc đang trở thành điểm đến hàng đầu Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành xuất khẩu mũi nhọn với kim ngạch đạt gần 11 tỷ USD/năm. Việt Nam hiện đứng trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, năng lượng tái tạo trên biển – đặc biệt là điện gió ngoài khơi – đang nổi lên như một ngành công nghiệp tương lai, với tiềm năng hàng chục GW công suất và thu hút đầu tư lớn từ các tập đoàn toàn cầu.
![]() |
(Ảnh minh họa) Kinh tế biển đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 10% GDP vào 2030. |
Mục tiêu 2030: Kinh tế biển – từ lợi thế trở thành trụ cột quốc gia
Theo Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030, nước ta hướng đến hai mục tiêu lớn: đưa kinh tế biển và các ngành ven biển đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP; và GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển (chưa sáp nhập) chiếm khoảng 65–70% GDP cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển, logistic, trung tâm tài chính quốc tế ven biển, phát triển các khu kinh tế ven biển, và từng bước chuyển đổi mô hình khai thác tài nguyên sang hướng bền vững hơn.
Kinh tế biển không còn là tiềm năng nằm trên giấy – mà đang và sẽ tiếp tục trở thành “cánh buồm” đưa Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới. Việc đặt mục tiêu đóng góp 10% GDP từ biển vào năm 2030 không chỉ là khát vọng, mà là định hướng chiến lược quan trọng trong hành trình phát triển bền vững quốc gia.
Nguyên Mộc - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận