Tổng quan thị trường thủy sản 6 tháng đầu năm 2010: Tôm vượt cá tra lên dẫn đầu danh sách kim ngạch xuất khẩu
Theo báo cáo của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam Vasep, 6 tháng đầu năm 2010, thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sang 143 thị trường và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đạt mức tăng trưởng dương toàn diện cả về khối lượng (+17,1%) và giá trị (+17%) so với cùng kỳ năm 2009.
Tổng kim ngạch XK của cả nước đạt trên 2 tỉ USD (597,8 nghìn tấn), trong đó riêng tháng 6/2010 đạt gần 399 triệu USD ( với hơn 110 nghìn tấn).
Mặc dù nhu cầu thủy sản toàn cầu (nhất là nhu cầu đối với các sản phẩm giá trị cao) giảm do suy thoái kinh tế, nhưng XK thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua vẫn tăng mạnh.
6 tháng đầu năm 2010, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 1,24 triệu tấn, tăng 10,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác cá ngừ tại Phú Yên tăng 14,9% và Bình Định tăng 14,1%...
EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tuy nhiên xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có dấu hiệu “chững lại”. Một số doanh nghiệp cho biết, trong thời gian tới muốn XK thủy sản sang EU, họ sẽ phải giảm giá sản phẩm hoặc chỉ dám ký những hợp đồng nhỏ và ngắn hạn do không lường trước được những biến động về giá.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga, Ucraina đều giảm so với cùng kỳ năm 2009 trong khi kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN trong tháng 6/2010 lại tăng mạnh (+26,9%, +48,6% và +13,6%) so với cùng kỳ năm 2009.
6 tháng đầu năm 2010, tôm đã vượt qua cá tra và vươn lên vị trí hàng đầu trong danh mục sản phẩm chính XK của Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn
Một số doanh nghiệp như AAM, ABT biến động mạnh so với cùng kỳ 2009 do ảnh hưởng từ hoạt động tài chính, trong khi AAM giảm nhẹ 14,67% lợi nhuận trong quý II do khoản hoàn nhập dự phòng thấp thì LNTT quý II của ABT tăng 188% so với cùng kỳ 2009 do được hoàn nhập dự phòng 25 tỷ đồng.
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2010 nguồn nguyên liệu thủy sản khan hiếm và giá nguyên liệu tăng cao, nhưng vẫn có khá nhiều các công ty lãi lớn nhờ giảm mạnh được giá vốn hàng bán so với cùng kỳ 2009 như AGD, AGF, ANV, ATA..
Duy nhất BAS lỗ hơn 5 tỷ 6 tháng đầu năm, 5 công ty có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2009 là FMC, NGC, CFC, MPC và VNH. Trong đó MPC mới công bố kết quả kinh doanh của công ty mẹ, mặc dù doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 85% so với cùng kỳ 2009 (xuất khẩu tôm tăng mạnh) nhưng do ảnh hưởng từ hoạt động tài chính nên LNST 6 tháng đầu năm 2010 của công ty mẹ MPC giảm 14% so với cùng kỳ 2009.
Dưới đây là kết quả của từng công ty (HVG chưa công bố kết quả kinh doanh quý II):
AAM – Thủy sản Mê Kông: LNST 6 tháng đầu năm 2010 tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ 2009 tuy nhiên LNST quý II lại giảm tới 14,67% so với quý II/2009 do năm 2009 doanh thu tài chính của công ty tăng mạnh nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 29 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong khi quý II năm nay thì khoản toàn nhập này chưa đến 2 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của AAM vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần tăng nhẹ 9% so với 6 tháng đầu năm 2009.
ABT – CTCP Xuất Nhập khẩu thủy sản Bến Tre: LNTT quý II/2010 tăng 188% so với quý II năm 2009 do công ty hoàn nhập dự phòng 25 tỷ đồng và số còn lại do lãi đầu tư tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty vẫn duy trì ổn định so với cùng kỳ (doanh thu thuần về bán hàng của ABT trong 6 tháng đầu năm 2010 vẫn tăng 27% so với cùng kỳ 2009).
AGD – CTCP Gò Đàng: Do tiết kiệm được khoản chi phí giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng; doanh thu tài chính gần 3 tỷ đồng, thu nhập khác đạt hơn 4,3 tỷ đồng, LNST 6 tháng đầu năm 2010 của AGD đạt 15,27 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ 2009. AGD là một trong số ít các doanh nghiệp có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2009, đạt 16,57 tỷ đồng (gấp 5 lần cùng kỳ 2009). Các sản phẩm cung cấp của AGD là nghêu, cá tra và các sản phẩm đông lạnh khác.
AGF – CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang:Doanh thu và lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động kinh doanh chính, không dựa vào hoạt động tài chính (doanh thu tài chính 6 tháng giảm so với cùng kỳ 2009, trong khi doanh thu thuần về bán hàng cung cấp dịch vụ tăng 59%).
ANV – CTCP Nam Việt: Nam Việt đang có những bước khởi đầu khá vững chắc, mặc dù LNST 6 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 43 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch năm tuy nhiên nếu so sánh với số lỗ cùng kỳ 2009 (80 tỷ) và số lỗ quý 4/2009 (100 tỷ) thì kết quả này đã có những tiến bộ đáng kể. Lợi nhuận của Nam Việt trong kỳ chủ yếu do công ty đã giảm mạnh được khoản giá vốn hàng bán (cùng kỳ 2009 giá vốn hàng bán vượt cả doanh thu thuần gây nên lỗ về hoạt động kinh doanh). Doanh thu tài chính và doanh thu khác không đáng kể. Đáng chú ý, trong khoản đầu tư tài chính dài hạn, giá trị đầu tư chứng khoán tính đến 30/06/2010 của ANV lên tới hơn 155 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Công ty cổ phần Nam Việt hiện nay là chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra, cá basa. Thị trường XK của Công ty hiện nay là Nga, EU, Trung Quốc, Úc và hơn 40 nước trên thế giới. Thị phần xuất khẩu lớn nhất của Công ty là thị trường EU và Nga. Sản phẩm của Navico cũng được tiêu thụ tại các nước thuộc Châu Á (Singapore, Malaysia, Hongkong, Trung Quốc, Hàn Quốc...), Châu Úc, Châu Mỹ và Trung Đông, Châu Phi.
ATA – CTCP Ntaco: Mặc dù doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2010 chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ 2009; tuy nhiên LNST của ATA đạt hơn 28 tỷ đồng, gấp 3 lần 6 tháng đầu năm 2009 do công ty giảm mạnh được khoản giá vốn hàng bán.
BAS – CTCP Basa: 6 tháng đầu năm 2010 lỗ hơn 5 tỷ đồng do tiêu thụ hàng thủy sản (cá tra/basa) ra thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, giá bán ra cạnh tranh nên doanh thu bán hàng thấp, hàng tồn kho nhiều và lãi suất cao.
CFC – CTCP Cafico Việt Nam (sàn UPCom):Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2010 giảm hơn 28% so với cùng kỳ 2009 nhưng do đặt kế hoạch lợi nhuận năm thấp nên công ty đã vượt kế hoạch năm 33%.
FMC – CTCP Thực phẩm Sao TTa: Quý II lỗ 2,3 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu tài chính giảm mạnh trong khi doanh thu bán hàng không có đột biến.
TS4 – CTCP Thủy sản số 4: Lợi nhuận quý II/2010 tăng 287% so với cùng kỳ 2009 do quý này công ty đã thu tiền và bàn giao căn hộ đưa vào sử dụng. Về kinh doanh mặt hàng thủy hải sản, nhà máy Đồng Tâm tại Đồng Tháp đã sản xuất ổn định và nhà máy này đã mang lại đáng kể doanh thu xuất khẩu cho công ty.
VHC – CTCP Vĩnh Hoàn: Mới công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2010 của công ty mẹ, tăng 40% so với cùng kỳ 2009, do lợi nhuận thu được từ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay giảm, kết quả của việc cơ cấu lại nguồn vốn sau đợt phát hành cho cổ đông hciến lược cuối năm 2009 và đầu năm 2010.
MPC – CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm 2010 tăng 85% so với cùng kỳ 2009; nhưng do doanh thu tài chính giảm 160 tỷ đồng so với 6 tháng 2009 nên LNST giảm 14% so với cùng kỳ 2009.

(*) Công ty mẹ
Đơn vị: tỷ đồng
Vẫn còn những khó khăn
Khan hiếm nguyên liệu: Theo TTXVN, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn như hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra kêu thiếu nguyên liệu nên chỉ duy trì công suất nhà máy 30-60%. Thực tế, nhiều tỉnh thống kê diện tích nuôi cá tra giảm tới 60% do người nuôi thua lỗ vì giá cá xoay quanh 15.500-16.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành.
Những doanh nghiệp lớn như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Agifish, Minh Phú... buộc phải bỏ vốn đầu tư vào vùng nuôi nhằm tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu.
Nhiều công ty chế biến thủy sản trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thủy sản, giải pháp này chỉ là tạm thời vì giá nguyên liệu thế giới đang tăng, mức thuế cao nên doanh nghiệp ít lợi nhuận.
Bên cạnh khó khăn về nguyên liệu, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí tăng như lãi suất, điện, nước, lương nhân công, cước vận chuyển, bao bì... Theo tính toán, những chi phí này làm tăng giá thành đầu vào từ 10-15% so với 2009. Trong khi đó, ngoại trừ mặt hàng tôm tăng giá, còn lại hầu hết các loại sản phẩm khác có xu hướng giảm.
Mỹ tăng Thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm nhập khẩu từ Việt Nam lần thứ 4, giai đoạn từ ngày 1/2/2008 đến 31/01/2009. Theo đó, duy nhất MPC có mức thuế giảm từ 3,27% xuống 2,96%; Nha Trang Seafoods tăng từ 2,50% lên 5,58%. Mức thuế áp cho 29 công ty khác không phải là bị đơn bắt buộc cũng tăng từ 2,89% lên 4,27%.
Thị trường Braxin gặp khó: Ông Fernando Ferreira, Chủ tịch CONEP (Hội đồng Khai thác và Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Braxin) ngày 01/06/2010 đã cá tra nhập khẩu từ Việt Nam đang “tàn phá” thị trường Braxin và cho rằng cá tra Việt Nam được bán với giá thấp hơn bình thường đã làm cản trở cạnh tranh trên thị trường và gây bất lợi cho nhà sản xuất, công nhân, ngư dân, chủ sở hữu và chuỗi dây chuyền trong ngành công nghiệp cá.
Theo một nguồn tin từ các nhà nhập khẩu thủy sản tại Braxin, chính phủ Braxin đã tăng thuế nhập khẩu cá mòi (sardine) từ 10% lên 32% và đang cố gắng làm tương tự như vậy đối với cá tra Việt Nam.
Bình luận
0 Bình luận