Đèo Cả và FECON vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, tập trung xây dựng và phát triển loạt dự án đường sắt trọng điểm trong thời gian tới.
Vào ngày 5/5/2025, tại Hà Nội, CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP FECON (HoSE: FCN) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai doanh nghiệp.
Theo nội dung biên bản ghi nhớ, FECON và Đèo Cả sẽ hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và triển khai các dịch vụ xây dựng hạ tầng cho một loạt dự án giao thông trọng điểm. Trọng tâm hợp tác là các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật đô thị - những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên trong giai đoạn tới.
Cụ thể, hai bên sẽ thành lập liên danh để tham gia đấu thầu thi công hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại các dự án đường sắt. Mục tiêu nhằm góp phần cải thiện năng lực vận tải, giảm ùn tắc và hỗ trợ phát triển không gian đô thị. Cùng với đó, FECON và Đèo Cả sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nhằm nâng cao khả năng triển khai, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ. Ngoài lĩnh vực đường sắt, phạm vi hợp tác còn mở rộng sang các dự án đường bộ và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Chia sẻ tại buổi ký kết, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh việc ký kết chỉ là bước khởi đầu để chính thức ghi nhận sự hợp tác.
“Bên cạnh những nội dung đã nêu, hai bên cũng cần hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, kiểm soát tuân thủ, đào tạo nhân lực, không phải đào tạo hình thức, mà đào tạo công nhân thực hành, kỹ sư thực chiến. Đây là những nền tảng quan trọng để hai bên cùng phát triển và hợp tác bền vững”, ông Hồ Minh Hoàng nói.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị, sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, hai bên cần nhanh chóng triển khai các bước cụ thể, từ việc phối hợp thực hiện dự án đến chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, mô hình đào tạo và văn hoá tổ chức. Ông Hoàng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thành lập ngay nhóm công tác chung, xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công rõ đầu mối phụ trách từng hạng mục.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP FECON đồng quan điểm về việc đôi bên cần tiếp tục làm việc sâu hơn nhằm cụ thể hóa, phân công người phụ trách từng việc, để đi đến kết quả thiết thực cho cả hai. “Chúng tôi tự tin đến thời điểm này FECON đã có sự ủng hộ của Nhà nước, của người dân. Có sự hiện diện của Đèo Cả, sự ủng hộ này sẽ còn lớn hơn nữa”, ông Khoa nói.
![]() |
Lễ ký kết hợp tác giữa Đèo Cả và FECON (Ảnh: Tuấn Linh) |
Hưởng ứng Nghị quyết 68, kỳ vọng cùng đưa doanh nghiệp Việt phát triển
Buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đèo Cả và FECON diễn ra ngay sau thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghị quyết 68 được đánh giá có nhiều điểm đột phá, tháo gỡ những rào cản lâu nay cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững.
Nghị quyết cũng khẳng định kinh tế tư nhân là trụ cột trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; đồng thời đề cập rõ quan điểm xóa bỏ định kiến, thay đổi nhận thức về khu vực kinh tế này, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, ghi nhận vai trò của doanh nhân như những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
Ông Phạm Việt Khoa nhận định Nghị quyết 68 đề cập trực diện đến những vướng mắc lâu nay khiến khu vực tư nhân chưa phát huy được hết tiềm năng. Ông Khoa đánh giá nội dung Nghị quyết rõ ràng, quyết liệt và phù hợp với hướng đi mà các doanh nghiệp như Đèo Cả và FECON đang theo đuổi - chú trọng chất lượng, tôn trọng khoa học công nghệ, đề cao văn hóa doanh nghiệp và phát triển con người.
Một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, các đơn vị cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, đồng thời khuyến khích hợp tác quốc tế trong đào tạo và chuyển giao chương trình tiên tiến.
Về vấn đề này, ông Hồ Minh Hoàng đề xuất hai bên nghiên cứu hợp tác đầu tư cơ sở đào tạo nghề, giải quyết tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Riêng với lĩnh vực mới như đường sắt, ông Hoàng cho rằng có thể nhập khẩu chương trình đào tạo, mời chuyên gia quốc tế huấn luyện, đi thẳng vào thực chất, bỏ qua các hình thức rườm rà.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh Nghị quyết 68 mở ra cơ hội rõ ràng, đặc biệt cho những doanh nghiệp đã trưởng thành bằng thực lực, để cùng tháo gỡ nút thắt cũ, giải quyết vấn đề hiện tại và định hình tương lai cho khu vực tư nhân.
Bên cạnh việc kết nối với đối tác quốc tế, đại diện hai doanh nghiệp thống nhất sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong nước trong các lĩnh vực như đầu máy, toa xe, bất động sản… để hình thành tổ hợp liên kết. Mục tiêu là cùng nhau phát triển, đóng góp thiết thực cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 68 khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển đất nước.
Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, từ nay đến năm 2030, cả nước dự kiến khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia trên toàn mạng lưới, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ USD. Nổi bật là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành...
Ánh Nguyệt - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận